Tham dự diễn đàn có đông đảo cán bộ khuyến nông và người chăn nuôi gia súc các tỉnh trong vùng. PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hạ Thúy Hạnh, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn, PGĐ. Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi Trần Ngọc Thương đồng chủ trì diễn đàn.

Ban chủ tọa Diễn đàn

Duyên hải Nam Trung Bộ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng chủ yếu như nhiệt độ cao, khí hậu nóng ẩm, cường độ ánh sáng mạnh, lượng mưa nhiều và tập trung vào một số tháng trong năm, do vậy hàng năm thường xuyên xảy ra hạn hán và mưa bão, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Hạn hán kéo dài đã làm cho hàng trăm ngàn con gia súc (dê, cừu, bò) rơi vào tình trạng thiếu thức ăn và nước uống, một số khu vực đã xảy ra hiện tượng gia súc bị chết do mất sức đề kháng. Dự báo mùa khô năm nay tình trạng hạn hán, thiếu nước vẫn có khả năng xuất hiện cục bộ ở một số khu vực gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc trong thời gian tới.

Cơ cấu vật nuôi ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ khá đa dạng, là khu vực có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc như: lợn, bò, cừu, dê... Năm 2017, có tổng đàn bò 1.269,0 nghìn con, đàn trâu 173,9 nghìn con, đàn lợn 2.163,2 nghìn con; dê 192,0 nghìn con (tăng 52,9% so với năm 2011), cừu 163,9 nghìn con (tăng 89,9% so với năm 2011). Các sản phẩm chăn nuôi gia súc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm tương ứng của ngành chăn nuôi cả nước. Riêng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng năm 2017 đạt 86,1 nghìn tấn, chiếm 26,8% sản lượng thịt bò của cả nước. Tỉnh có sản lượng thịt bò nhiều nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Với lợi thế chăn nuôi như vậy, nhưng trước thách thức của biến đổi khí hậu, việc hạn hán kéo dài đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi và tổng đàn vật nuôi trong vùng.

Ông Lê Xuân Thuyền tại xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng ngãi chia sẻ kinh nghiệm  chăn nuôi bò thịt  của gia đình với các đại biểu

Chia sẻ và trao đổi tại Diễn đàn, các cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu và người chăn nuôi còn cho thấy thực trạng ngành chăn nuôi gia súc trong vùng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, như: Việc đầu tư hỗ trợ của Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; Sản xuất và cung ứng con giống lợn chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng, tình trạng giao phối cận huyết trong chăn nuôi trâu, bò ở vùng miền núi vẫn còn nhiều; Nguồn thức ăn cho chăn nuôi chưa được chủ động, các phụ phẩm công nghiệp (bã bia, bã sắn và bã nành) có sản lượng lớn song chưa sử dụng hiệu quả do chưa có nhiều mô hình áp dụng công nghệ bảo quản chế biến; Ý thức của người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh còn thấp, tình trạng giết mổ gia súc không qua kiểm soát vẫn thường diễn ra nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và giá trị thấp; Giá bán sản phẩm không ổn định, diễn biến phức tạp theo chiều hướng bất lợi cho người chăn nuôi ...

Tại diễn đàn, người chăn nuôi đã đặt nhiều câu hỏi với các chuyên gia tư vấn

Giải pháp để chăn nuôi phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu được TS. Hạ Thúy Hạnh tổng kết tại diễn đàn, trong đó tập trung vào một số nội dung:

- Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung phù hợp với lợi thế của từng địa phương, tập trung các đối tượng vật nuôi có lợi thế và khả năng thị trường của vùng, phục vụ tái cơ cấu ngành, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Công tác giống: ưu tiên sử dụng các giống vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu (bò, dê, cừu, hươu...). Có chính sách hỗ trợ các trung tâm giống, cơ sở sản xuất giống để cung cấp giống tại chỗ có khả năng thích ứng cao hơn. Thực hiện giải pháp thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo chất lượng vật nuôi, sử dụng tinh bò, tinh lợn của các giống có năng suất cao, phát triển giống vật nuôi bản địa.

- Về thức ăn: quy hoạch vùng trồng cây thức ăn, sử dụng các giống cỏ thích ứng với vùng hạn, chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả để trồng cây thức cho chăn nuôi gia súc. Giải pháp cân đối khẩu phần thức ăn để tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ nhằm giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính.

- Về công tác thú y: tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho vật nuôi. Thực hiện giải pháp chăn nuôi tiết kiệm nước, thích ứng biến đổi khí hậu.

- Công tác tổ chức quản lý: thành lập tổ nhóm, hợp tác xã chăn nuôi để tạo liên kết chăn nuôi theo chuỗi và theo định hướng thị trường. Tăng cường đào tạo kỹ năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho nông dân.

Trên cơ sở đó, các sở nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện cho trung tâm khuyến nông, trung tâm giống các tỉnh để phát triển chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Với trung tâm khuyến nông các tỉnh đề xuất xây dựng và nhân rộng  mô hình chăn nuôi phù hợp với địa phương để nông dân có thể tiếp cận, kiểm soát an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo yêu cầu của ngành chăn nuôi phát triển bền vững tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.

Để phát triển chăn nuôi một cách bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt những biện pháp trên một cách đồng bộ từ người quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người chăn nuôi.

Xem video về diễn đàn tại đây

Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia