Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản; Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình đồng chủ trì Diễn đàn.

Tham gia Diễn đàn gồm những chuyên gia đến từ Chi cục Bảo vệ Môi trường Quảng Bình, Trường Đại học Quảng Bình, Trường Đại học Nông Lâm Huế, giám đốc, phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Bắc Trung Bộ, các doanh nghiệp. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ khuyến ngư, bà con nông - ngư dân, chủ cơ sở nuôi tôm của 6 tỉnh ven biển miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.

Toàn cảnh Diễn đàn

Từ sự phát triển ngoạn mục:

Phong trào nuôi tôm trên cát xuất hiện từ những năm 2000 tại một số địa phương với quy mô nhỏ lẻ. Với điều kiện thuận lợi về đất đai và nguồn nước biển, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nuôi trên cát của khu vực không ngừng gia tăng cả về diện tích và sản lượng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, đến năm 2014 diện tích nuôi tôm trên cát là 3.018 ha, sản lượng đạt 37.030 tấn. Giai đoạn 2000 - 2002, năng suất nuôi chỉ 2 - 3 tấn/ha, đến nay năng suất tăng gấp 5 - 6 lần, trung bình đạt 13 - 15 tấn/ha, có những nơi nuôi thâm canh công nghệ cao cho năng suất tới 70 - 100 tấn/ha.

Việc ứng dụng thành công khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã trở thành động lực thúc đẩy nuôi tôm trên cát khu vực miền Trung tiếp tục phát triển. Nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đã chủ động hoàn toàn công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm công nghệ cao đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nuôi tôm trên cát đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, với lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng/ha/vụ, thậm chí đạt 700 - 900 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều vùng đất cát bạc màu, hoang hóa đã trở thành “đất vàng”, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng cho người nuôi tôm, đời sống người dân "thay da, đổi thịt" từng ngày, từ đây xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú nuôi tôm. 

Thăm mô hình nuôi tôm chân trắng thương phẩm công nghệ cao trong ao lót bạt sử dụng chế phẩm vi sinh tại Công ty TNHH TM Thanh Hương, Quảng Bình

Đến sự phát triển bấp bênh, rủi ro và nhiều thách thức:

Mặc dù, nuôi tôm trên cát trở thành một nghề làm giàu cho các địa phương ven biển miền Trung, nhưng do tăng trưởng "nóng" trong một thời gian ngắn, cùng với việc phát triển diện tích nuôi một cách ồ ạt, thiếu đầu tư đồng bộ... nên nghề nuôi tôm trên cát ở các tỉnh ven biển miền Trung đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, đối mặt với những khó khăn thách thức lớn.

Dịch bệnh thường xuyên xảy ra: Khi giá tôm tăng cao, ở nhiều địa phương đã hình thành những vùng nuôi không nằm trong quy hoạch. Một bộ phận nông dân thả nuôi liên tục, nguồn nước nuôi chưa qua xử lý làm mầm bệnh trong môi trường tự nhiên tồn lưu từ vụ này sang vụ khác, dịch bệnh (chủ yếu bị nhiễm bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS)) lây lan nhanh, khiến rủi ro trong nuôi tôm ngày càng cao, thậm chí tôm chết hàng loạt, người nuôi lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất…

Tàn phá môi trường: Tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngọt và nước ngầm; ô nhiễm biển và nước ngầm do chất thải từ nuôi trồng; mặn hoá đất và nước ngầm đang diễn ra ở vùng đất này. Theo tính toán, nếu đưa vào nuôi tôm tập trung với quy mô lớn (khoảng 100 ha, nuôi 2 vụ/năm), ước tính sơ bộ nhu cầu nước ngọt cần khoảng 5 triệu m3/năm. Khi khai thác nước ngầm phục vụ nuôi tôm trên cát quá giới hạn cho phép, dẫn đến sụt lở địa tầng, cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc xả nước thải ra biển, nhiều hộ nuôi hiện nay còn xả trực tiếp nước thải, bùn ao nuôi trên khu vực đất cát cạnh bờ đầm nuôi, gây ô nhiễm và mặn hoá nguồn nước ngầm. Dịch bệnh có thể lây lan sang các đầm nuôi khác do sử dụng nước ngầm đã bị nhiễm bệnh, tạo cơ hội bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trước mắt và lâu dài. Tại nhiều địa phương rừng phòng hộ ven biển bị ảnh hưởng và chết do nguồn nước ngầm nuôi cây đã bị hút cạn kiệt phục vụ cho nuôi tôm. Quá trình làm ao, đắp bờ, mở đường đi lại phải đào xới cát làm cho mức độ gắn kết của cát yếu, tạo điều kiện cho hiện tượng cát bay, bão cát. Việc phát triển ao nuôi không đi đôi với bảo vệ rừng phòng hộ hay trồng rừng che chắn, đặc biệt là các khu vực nhiều gió cát, dễ dẫn đến hiện tượng ao nuôi bị vùi lấp trong quá trình sản xuất.

Chịu ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu: Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rõ rệt và nặng nề đối với sản xuất và sinh hoạt của người nuôi. Năm 2015, đợt hạn hán kéo dài trong gần 1 năm qua tại các tỉnh Nam Trung Bộ được cho là khốc liệt nhất trong vòng 40 năm qua và 4 tỉnh hạn hán nghiêm trọng nhất là Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà và Quảng Trị với khoảng 50.000 ha không thể canh tác được. Lần đầu tiên, trong năm 2015 tỉnh Nghệ An đã phải công bố thiên tai hạn hán.

Lạm dụng kháng sinh, hóa chất: Việc nuôi thâm canh càng cao thì nông dân càng lạm dụng các loại thuốc thú y, hóa chất trong nuôi tôm khiến môi trường ngày càng xấu đi, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó làm giảm uy tín sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Trước cánh cửa hội nhập, tạo cơ hội lớn cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản nói chung và tôm nói riêng. Tuy nhiên, yêu cầu sản xuất cũng khắt khe hơn, trong khi đó người nuôi chủ yếu sản xuất theo thói quen, tập quán nên dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả lại do chứa dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.

Chính vì vậy, việc tìm hướng mới cho nghề nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang là “bài toán” cần lời giải... 

Để nghề nuôi tôm trên cát phát triển bền vững:

Trước thực trạng trên, mới đây (ngày 24/3/2016), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 946/QĐ-BNN-TCTS Phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, đến năm 2020: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho cả vùng đạt 36.980 ha, sản lượng 158.190 tấn, trong đó: diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là 22.140 ha, sản lượng 122.310 tấn; nước ngọt là 14.840 ha, sản lượng đạt 35.880 tấn. Thu hút và giải quyết việc làm lao động NTTS 80.000 người. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1.200 triệu USD. Đến năm 2030, sản xuất giống và cung cấp cho thị trường ngoài khu vực miền Trung khoảng 500.000 con tôm bố mẹ chân trắng và 600 tỷ con Nauplius.

Nhằm giúp bà con­­ các tỉnh miền Trung đầu tư vào mô hình nuôi tôm trên cát đạt hiệu quả và lợi nhuận cao, góp phần đưa ngành nuôi tôm cả nước phát triển ổn định và bền vững, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án khuyến nông Trung ương "Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP" tại các tỉnh nuôi trọng điểm của vùng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với tổng diện tích 84 ha, tại 169 hộ; đào tạo nhân rộng mô hình cho 315 lượt nông dân. Nhờ áp dụng đúng các quy phạm VietGAP, quy trình nuôi an toàn dịch bệnh, năng suất đạt 10,9 - 10,8 tấn/ha; hệ số thức ăn trung bình từ 1,2 - 1,3. Lợi nhuận trung bình đạt 450 - 500 triệu đồng/ha, tăng hơn so với mô hình không nuôi theo VietGAP từ 27 - 35%.

Để đầu tư phát triển nuôi tôm trên cát bền vững đảm bảo 4 chữ A (An toàn dịch bệnh, An toàn thực phẩm, An toàn môi trường và An sinh xã hội) cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, sự tham gia của các doanh nghiệp, cũng như sự đồng thuận của bà con nông - ngư dân.

Phó Giám đốc TTKNQG Kim Văn Tiêu kết luận Diễn đàn

Kết luận Diễn đàn, Phó Giám đốc TTKNQG Kim Văn Tiêu đã tổng hợp các ý kiến và đưa ra một số giải pháp như sau:

* Về quản lý, quy hoạch: Đề nghị Tổng cục Thủy sản chỉ đạo Chi cục Thủy sản các tỉnh thực hiện một số nội dung sau:

- Thiết kế đồng bộ vùng quy hoạch: Giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cấp, thoát nước tốt, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Ngăn chặn việc nuôi nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch .

- Tổ chức lại sản xuất: Xây dựng, củng cố các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ thương mại theo chuỗi giá trị (liên kết ngang - dọc); hỗ trợ thành lập mô hình cộng đồng vùng sản xuất tập trung và bảo vệ nguồn lợi, môi trường thủy sản, nhằm nâng cao năng suất, uy tín thương hiệu và năng lực cạnh tranh của sản phẩm tôm.

- Tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng con giống, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường để giảm bớt thiệt hại cho nông dân.

* Về khoa học công nghệ: Các viện, trường, trung tâm giống thủy/hải sản quốc gia, các Trung tâm sản xuất tôm giống sạch bệnh, các cơ sở sản xuất giống thủy sản tập trung cần thực hiện một số nội dung:

- Hoàn thiện việc đầu tư xây dựng hệ thống các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, lưu giữ và cung ứng giống tôm chất lượng hơn. Tiếp tục nghiên cứu các giống mới: kháng bệnh cao, nhanh lớn, hệ số thức ăn thấp.

- Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm trên cát theo mô hình công nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, biofloc, mô hình VietGAP; nuôi an toàn sinh học, không sử dụng kháng sinh, hóa chất; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh, quan trắc trước khi có bệnh xảy ra.

- Tăng cường nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y và các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi tôm.

Mô hình sản xuất tôm chân trắng thương phẩm theo công nghệ tuần hoàn khép kín của Công ty Nam miền Trung tại tỉnh Hà Tĩnh

* Về thị trường và xúc tiến thương mại: Tăng cường sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm tôm có chất lượng tốt, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực tìm hiểu các thông tin, xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản miền Trung.

* Về công tác khuyến ngư: Xây dựng mô hình nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao. Tống kết và nhân rộng các mô hình nuôi tôm trên cát theo VietGAP, GMP.., nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và theo tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường hướng dẫn quy trình kỹ thuật, mùa vụ và mật độ phù hợp; phát hành ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến trao đổi kinh nghiệm rộng rãi cho nông, ngư dân, các tổ chức tham gia nuôi tôm trên cát khu vực miền Trung. Tăng cường thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, đẩy nhanh nhân rộng các mô hình hiệu quả, với phương châm “1 người làm 1.000 người biết, 1 hộ làm hàng trăm hộ học tập làm theo”.

Thời gian qua, ngành nuôi tôm chân trắng trên cát đã khẳng định được tầm quan trọng trên thị trường nội địa, cũng như trên thị trường thế giới, bởi có lợi thế cạnh tranh và nhiều tiềm năng tăng trưởng. Nhờ mô hình này nhiều vùng đất “chết” dọc các tỉnh miền Trung đã được đánh thức. Tuy nhiên, khi thực hiện, nếu chúng ta không đặt vấn đề thân thiện với môi trường lên hàng đầu, đảm bảo tính bền vững, thì những vùng "sa mạc cát" một thời vang bóng "cát vàng" sẽ ra đi mãi mãi. Vì vậy, chúng ta cần chung tay giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, hướng tới sản xuất theo chuỗi, xây dựng vùng sản xuất theo quy hoạch. Có như vậy mới có thể tiếp tục "gieo mầm" những hy vọng đổi đời cho người dân sống trên vùng đất khắc nghiệt này./

Nguyễn Thị Mai

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem video về Diễn đàn tại đây