Đồng chủ trì Diễn đàn có TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Nông Xuân Bắc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên. Dự Diễn đàn gồm những chuyên gia từ Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và nghề muối, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Viện Bảo vệ thực vật, Hiệp hội chè Việt Nam, Tổng công ty chè Việt Nam, Trung tâm khuyến nông và nông dân các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hòa Bình. Tổng cộng có gần 300 đại biểu, trong đó có 200 nông dân sản xuất, chế biến chè đã quan tâm và tham gia trao đổi hơn 35 câu hỏi tại Diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn

Theo Cục Trồng trọt, khó khăn trong việc tổ chức sản xuất chè an toàn hiện nay là chưa gắn khâu chế biến với sản xuất nguyên liệu, nhiều cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu, không quan tâm đến kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên chè, dẫn đến chất lượng nguyên liệu đầu vào thấp - nguyên nhân chính làm chất lượng chè thành phẩm thấp, giá cả và sức cạnh tranh của chè Việt Nam trên thị trường thế giới giảm sút. Nguyên nhân là do không hỗ trợ kinh phí đánh giá giám sát và kinh phí tái chứng nhận nên khó khăn trong việc duy trì, phát triển sản xuất chè theo VietGAP; Công tác thông tin, tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng; Nhiều địa phương chưa chú trọng công tác tổ chức nông dân trong sản xuất chè, hình thức đào tạo cho nông dân chưa đồng bộ, trùng lắp đã hạn chế công tác nâng cao chất lượng và an toàn trong sản xuất chè hiện nay; Quy trình VietGAP còn một số chỉ tiêu phức tạp, khó áp dụng ngoài thực tế, kinh phí chứng nhận còn cao so với khả năng của người nông dân.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Theo kết quả điều tra có tới 49% nông dân trực tiếp trồng chè sử dụng thuốc với nồng độ cao hơn hướng dẫn, 64% nông dân sử dụng hỗn hợp 2 loại thuốc khi phun và có 14% nông dân trộn 3 loại thuốc khi phun trong khi bà con không hề biết việc phối trộn này sẽ làm tăng nồng độ thuốc lên gấp nhiều lần; gần 50% nông dân phun trên 7 lần/vụ, có hộ phun tới 4 lần/tháng, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới thiên địch và mất an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè, 10% nông dân sử dụng thuốc không đảm bảo thời gian cách ly. Cùng với tình trạng sử dụng thuốc tùy tiện, nồng độ cao hơn quy định, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng trên chè là nguyên nhân chính dư lượng thuốc trên sản phẩm chè cao như hiện nay. Đây là lý do khiến nhiều lô hàng chè xuất khẩu của Việt Nam bị đối tác cảnh báo hoặc trả về. Ngoài ra, công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương không thể kiểm soát do lực lượng thanh tra, kiểm dịch mỏng (có trên 800 cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật/tỉnh, trung bình 1 cán bộ quản lý trên 70 cửa hàng đại lý kinh doanh).

Các đại biểu thăm mô hình sản xuất chè an toàn tiêu chuẩn UTZ tại xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên

Theo TS. Phan Huy Thông, GĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chè là thức uống phổ biến của người dân Việt Nam nói chung và người dân miền Bắc nói riêng, do đó mức độ an toàn của chè ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm thế nào để cân bằng năng suất chất lượng, an toàn thực phẩm từ khâu chế biến đến lưu thông. Bản thân người nông dân biết rất rõ tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cũng không bằng lòng với sản phẩm không an toàn. Nếu không có những việc làm cụ thể ngay từ bây giờ thì thương hiệu chè Việt sẽ mất chỗ đứng trên thị trường. 

Tại Diễn đàn, các chuyên gia và người sản xuất chè đã chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm để sản xuất chè an toàn như: Các giải pháp tăng năng suất, chất lượng chè đảm bảo an toàn thực phẩm, các biện pháp giảm chi phí như không phun thuốc định kỳ, bón phân cân đối cho cây chè, trong đó tăng tỷ lệ phân hữu cơ; Sử dụng nguồn nước tưới sạch; Quy định địa điểm chế biến cần phải có độ ẩm thấp, vệ sinh máy vò hàng ngày để đảm bảo an toàn cho chè; Một số bệnh trên cây chè và biện pháp phòng trị; Cách nhận biết thuốc bảo vệ thực vật thật – giả…

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất: Tiếp tục đổi mới ngành chè theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất. Kết hợp sản xuất, chế biến chè với kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái sẽ là mô hình rất hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Từ đây trồng chè sẽ đem lại một tiềm năng mới trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam: Phải xây dựng lộ trình sản xuất chè an toàn, xuất khẩu chè phải theo sản phẩm có thương hiệu. Ông đề xuất xây dựng bệnh viện cho cây trồng tại các vùng sinh thái nhằm giúp nông dân biết cách phòng trừ sâu bệnh và sản xuất chè an toàn.

Bà Nguyễn Thị Nhài, Hợp tác xã Chè Tân Hương chia sẻ: Sản phẩm an toàn phải từ người sản xuất chứ không phải từ người kinh doanh nên cán bộ khuyến nông huyện, xã cần phải hướng dẫn để tạo sự liên kết giữa các làng nghề với hộ sản xuất chè để tránh tình trạng xuất hiện chè không đảm bảo chất lượng, đồng thời kiểm tra chặt chẽ hơn nữa các cơ sở kinh doanh chè trôi nổi trên thị trường.

Các đại biểu thăm khu sản xuất và chế biến chè tại Cơ sở chè Tiến Yên, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.

Tổng kết Diễn đàn, ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Chất lượng và an toàn là mục tiêu sống còn của ngành chè nói chung và người làm chè nói riêng, vậy nên đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy và cách làm trong sản xuất chè an toàn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng mô hình sản xuất có chứng nhận chất lượng VietGAP, Utz Certificed… để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

- Tổ chức liên kết giữa người sản xuất với nhà máy chế biến chè, hình thành tổ dịch vụ bảo vệ thực vật để sản xuất chè an toàn, bền vững. Tăng cường hợp tác công tư, hỗ trợ hình thành vùng sản xuất an toàn cho bà con để họ yên tâm sản xuất chè an toàn, từ đó tạo được vùng nguyên liệu an toàn.

- Trong canh tác sản xuất: Hạn chế sử dụng phân bón hóa học, sử dụng cân đối phân bón hữu cơ. Tăng cường thực hiện quản lý tổng hợp IPM trên cây chè.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất và tiêu thụ chè an toàn trên phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và các địa phương.

- Tăng cường vai trò quản lý và kiểm tra sản xuất, chế biến chè, có giải pháp quản lý, tổ chức và chỉ đạo chè an toàn kịp thời từ trung ương đến địa phương. Có chế tài và hình thức xử lý thích đáng đối với những cơ sở không đảm bảo điều kiện sản xuất.

- Đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT giảm một số chỉ tiêu phức tạp, khó áp dụng ngoài thực tế trong quy trình chứng nhận VietGAP; cần rút ngắn thời gian cấp quy trình chứng nhận VietGAP, kéo dài thời gian giá trị chứng nhận VietGAP để phù hợp với mùa vụ sản xuất của bà con.

Thu Hằng 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem video về Diễn đàn tại đây