Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp phải thích ứng với biến đối khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt ở khắp mọi nơi, nhất là tại các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là một trong những vùng trọng tâm chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tăng sản lượng một số nông sản thị trường trong nước cần, giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều mô hình chuyển đổi trên đất lúa sang trồng cây rau màu, cây ăn quả, cây thức ăn chăn nuôi, thủy sản… đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Theo Quyết định 3367/QĐ –BNN ngày 31/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT thì giai đoạn 2016 – 2020 vùng duyên hải Nam Trung Bộ tiếp tục chuyển đổi khoảng 56 ngàn ha với các cây trồng chuyển đổi là ngô, đậu tương, mè, lạc, rau, hoa, cây thức ăn chăn nuôi… Chỉ tính riêng năm 2016 toàn vùng đã chuyển đổi gần 19.000 ha từ trồng lúa sang trồng các loại cây rau màu.

Mô hình chuyển đổi trồng lạc trên đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa

Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau màu hiện đang có nhiều thuận lợi như có nhiều chủ trương, chính sách của nhà nước, của các bộ, ngành, sự sẵn sàng về tiến bộ kỹ thuật giống, canh tác… Tuy nhiên, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây màu ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn, đó là: Chưa có quy hoạch tập trung cho các cây trồng cạn chủ lực gắn với đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi tưới tiêu phù hợp; Chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn nên cũng chưa có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm; Trồng lúa tuy hiệu quả thấp nhưng lúa vẫn tiêu thụ được, trong khi chuyển sang các loại cây trồng khác thì thị trường tiêu thụ chưa ổn định, khó dự báo; Chưa xây dựng được các gói kỹ thuật cho kịch bản chuyển đổi cây trồng theo các tiểu vùng sinh thái để nông dân áp dụng; Nhiều địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi với những giải pháp đồng bộ về quy hoạch vùng chuyển đổi - kỹ thuật sản xuất - tổ chức sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nên làm mô hình thì thành công, song chậm nhân ra diện rộng.

Nhằm góp phần cùng các địa phương tìm ra các giải pháp khả thi, nhất là các giải pháp về kỹ thuật sản xuất để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đất lúa như kế hoạch của Bộ đã đề ra, đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm chi phí sản xuất, giảm rủi ro trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, ngày 30-31/5/2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Toàn cảnh Diễn đàn

Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của 260 đại biểu là các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nông dân ở các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Diễn đàn đã dành nhiều thời gian để ban cố vấn, bà con nông dân và các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Bằng hình thức hỏi – đáp trực tiếp tại diễn đàn, với 40 câu hỏi, cho thấy vấn đề được các đại biểu quan tâm là: chính sách hỗ trợ chuyển đổi, cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng, giống cây trồng, kỹ thuật sơ chế sản phẩm… Nhiều nội dung được ban cố vấn và bà con nông dân trao đổi rất cụ thể chi tiết, đi đến tận gốc rễ của vấn đề, như việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương, thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Phối hợp với truyền hình địa phương tuyên truyền tại Diễn đàn 

Để tập trung chuyển nhanh, chuyển mạnh đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, tổng kết Diễn đàn, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Trần Văn Khởi đã đưa ra một số giải pháp, đó là:

Cần phải linh hoạt cơ cấu giống cây trồng theo điều kiện đất đai, nguồn nước, tập quán sản xuất, dự báo thị trường của từng địa phương. Có thể chuyển cả năm lúa sang trồng rau màu, chuyển đổi 1-2 vụ lúa/năm hoặc thêm 1 vụ màu vào đất lúa… Có thể trồng từng bước và dần mở rộng quy mô sản xuất.

Xây dựng quy hoạch đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của từng cấp địa phương, đặc biệt là cấp huyện và xã. Đây là nền tảng cho các hoạt động tiếp theo như chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng, tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp... Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao gói kỹ thuật canh tác, cơ cấu cây trồng chi tiết cho từng dạng đất chuyển đổi, khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào vùng chuyển đổi.

Chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để cùng với ngành nông nghiệp nói chung và hệ thống khuyến nông nói riêng khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; Nâng cao năng lực quản trị của lao động các hợp tác xã, hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay là một trong những giải pháp linh hoạt, phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống khuyến nông sẽ tích cực hơn nữa trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, góp phần thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện và bền vững.

Các đại biểu tham quan mô hình chuyển đổi trồng lạc trên đất lúa tại xã Đức Phú, huyện Mộ Đức

Xem clip về Diễn đàn tại đây

Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia