Tham dự Diễn đàn có ông Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang; đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng; các doanh nghiệp, cùng đông đảo nông dân trồng đậu tương ở các huyện trên địa tỉnh Hà Giang.

 

Diễn đàn thu hút hơn 200 nông dân sản xuất đậu tương đến tham dự và đặt câu hỏi trực tiếp, thảo luận sôi nổi. Có 40 câu hỏi được đặt ra chủ yếu xoay quanh các vấn đề về: công tác nghiên cứu giống, kỹ thuật canh tác đậu tương cho vùng miền núi; giải pháp phát triển đậu tương hàng hóa; công tác nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả về sản xuất cây đậu tương; chính sách hỗ trợ cho nông dân; đặc biệt là về kỹ thuật trồng, bảo quản chế biến và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cho cây đậu tương.
    

   

Ông Vương Mí Vàng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang phát biểu tại Diễn đàn.

 

Các chuyên gia và Ban cố vấn của Diễn đàn là những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, đơn vị chuyển giao khoa học công nghệ…đến từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Trung tâm Nghiên cứu đậu đỗ (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm), Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông… đã giải đáp thỏa đáng những vướng mắc của bà con nông dân và đại biểu.

 

TS.Trần Văn Khởi - PGĐ Trung Khuyến nông Quốc gia (ở giữa) phát biểu tại Diễn đàn.


Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong vòng 5 năm gần đây, diện tích và sản lượng đậu tương của nước ta có xu hướng giảm dần, với khoảng 30 nghìn ha, năng suất hầu như không thay đổi, bình quân 14,3 tạ/ha. Vùng sản xuất đậu tương lớn thứ 2 cả nước tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La...


Định hướng phát triển cây đậu tương ở vùng miền núi phía Bắc đó là, khai thác vùng bãi ngang, vùng đất cao chuyên trồng màu, vùng Trung du có truyền thống trồng đậu tương để trồng 2 vụ xuân và hè thu; lựa chọn bộ giống thích hợp cho từng vụ, từng vùng sinh thái, kết hợp tuyển chọn, áp dụng các giống đậu tương ngắn ngày, dài ngày cho năng suất cao; xây dựng quy trình canh tác chi tiết từng vụ, từng tiểu vùng sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và giảm chi phí sản xuất, đặc biệt chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật.


Ông Vương Mí Vàng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh Hà Giang xác định đậu tương là cây trồng mũi nhọn, ngay từ năm 2011, UBND - HĐND tỉnh ban hành nhiều văn bản chính sách kích cầu phát triển cây đậu tương nhằm tăng nhanh về diện tích, sản lượng, đưa cây đậu tương trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

 

Toàn cảnh Diễn đàn.


Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi nhấn mạnh: Để mở rộng diện tích cũng như nâng cao năng suất, hiệu quả cho cây đậu tương tại khu vực miền núi phía Bắc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia định hướng các địa phương nên khai thác vùng bãi ngang, vùng đất cao chuyên trồng màu, vùng trung du có truyền thống thâm canh đậu tương. Vùng này khai thác trồng cả 2 vụ đậu tương xuân và hè thu, sản xuất thâm canh cao, tạo vùng hàng hóa lớn. Đặc biệt nên tận dụng vùng đất đồi một vụ lúa mùa, bỏ hoang trong vụ xuân. Đối với đất lúa xuân trên ruộng bậc thang bấp bênh nước tưới, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao cũng có thể chuyển đổi sang trồng cây đậu tương. Bên cạnh đó, những khu vực đất nương rẫy trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trong thời gian đầu chưa khép tán cũng có thể đưa vào trồng đậu tương.


Cùng với việc quy hoạch diện tích, vùng trồng, thời vụ, kỹ thuật canh tác thì vấn đề giống cũng đang được quan tâm và coi là động lực để thúc đẩy phát triển cây đậu tương hiện nay.

 

* Một số hình ảnh đại biểu tham quan mô hình sản xuất đậu tương tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang:

 

 

 

Xuân Minh - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia