Ban chủ tọa Diễn đàn

 

Đồng chủ trì Diễn đàn có ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Trần Văn Khởi - Quyền giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia,ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông.

Từ xưa đến nay, không ai trong giới kinh doanh gia vị và nông sản trên thế giới là không biết đến hồ tiêu Việt Nam. Người ta biết đến Việt Nam như là một nhà sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới, một thị trường đầy tiềm năng và triển vọng. Được trồng từ cuối thế kỷ 19 tại Phú Quốc, Hòn Chông, Hà Tiên tỉnh Kiên Giang, sau phát triển lên vùng đất đỏ bazan, đến nay hồ tiêu đã vươn mình trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng của Việt Nam. 

Năm 1970, diện tích hồ tiêu chỉ khoảng 400 ha và sản lượng khoảng 500 tấn thì đến năm 2001 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, năm 2016 cả nước xuất khẩu 177 nghìn tấn, đạt kim ngạch 1,42 tỷ USD, chiếm trên 40% thị phần tiêu thụ của thế giới và xuất khẩu hồ tiêu đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năng suất hồ tiêu cả nước hiện nay đạt 26 tạ/ha, vùng Tây Nguyên đạt gần 30 tạ/ha. Diện tích trồng tiêu năm 2016 đạt 124,5 nghìn hécta, tăng 22,5% so với năm 2015, vượt quy hoạch xấp xỉ 250%. Trong đó, diện tích trồng hồ tiêu ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là 120.280 ha, chiếm hơn 96% diện tích cả nước. Các tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều nông dân trong vùng đã trở thành tỷ phú nhờ trồng tiêu.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng về diện tích và sản lượng, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam cũng tăng mạnh. Trong 15 năm liên tục (từ năm 2000 đến nay), Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường Mỹ và các nước EU, chiếm 50% sản lượng xuất khẩu của thế giới. Chất lượng hồ tiêu ngày càng được nâng cao và có uy tín.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng tiêu sử dụng chế phẩm sinh học tại xã Thuận Hà, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông

Bên cạnh những thành công to lớn, sản xuất hồ tiêu của Việt Nam vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Trong đó có 3 vấn đề lớn:

Thứ nhất, sự bùng nổ về diện tích: Vài năm gần đây, giá hồ tiêu hấp dẫn hơn so với nhiều cây trồng khác nên diện tích hồ tiêu đang phát triển hết sức "nóng", hiện đã phá vỡ quy hoạch gần 75.000 ha. Tại thời điểm hiện nay, giá hồ tiêu đang suy giảm khiến người trồng hồ tiêu phải đối mặt với tình trạng “được mùa - mất giá” .

Thứ hai, canh tác chưa bền vững: Diện tích tăng nhanh cùng với sự thâm canh quá mức bởi tâm lý nôn nóng muốn thu được năng suất, sản lượng nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất đang là cách làm của nhiều nông dân trồng hồ tiêu, nhất là ở những nơi trồng mới, nông dân thiếu kinh nghiệm và thiếu kiến thức về canh tác bền vững. Giống tiêu chưa được nghiên cứu chọn lọc có hệ thống, độ đồng đều không cao, dễ nhiễm sâu bệnh; kỹ thuật canh tác còn nhiều tồn tại về thiết kế vườn, bón phân, chăm sóc,... Chưa có giải pháp đồng bộ phòng trừ dịch hại, đặc biệt là các bệnh chết nhanh, chết chậm do tuyến trùng và một số loài nấm trong đất gây ra...

Thứ ba, chất lượng chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Do hồ tiêu là loài cây gia vị độc đáo, chủ yếu dùng trong chế biến thực phẩm nên yêu cầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Trong khi diện tích trồng mở rộng, nông dân thiếu kiến thức nên chưa thực hiện tốt quy trình sản xuất theo hướng an toàn, thiếu kiểm soát chất lượng đang là trở ngại lớn cho xuất khẩu, rủi ro lớn cho ngành và người trồng hồ tiêu.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với truyền hình VTC16 để tuyên truyền về sản xuất hồ tiêu bền vững tại Diễn đàn

Nhằm góp phần cùng các địa phương đưa ra các giải pháp khả thi, nhất là các giải pháp về kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây hồ tiêu để sản xuất tiêu bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm rủi ro trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, ngày 06-07/6/2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững”. 

Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của 250 đại biểu là các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nông dân ở các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Diễn đàn đã dành nhiều thời gian để ban cố vấn, bà con nông dân và các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Bằng hình thức hỏi – đáp trực tiếp tại diễn đàn, với gần 50 câu hỏi, cho thấy vấn đề được các đại biểu quan tâm là: chính sách hỗ trợ nông dân trồng tiêu; giống, kỹ thuật canh tác, biện pháp phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu, cách bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giải pháp để tránh mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả; liên kết với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Diễn đàn cũng chia sẻ với bà con những mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững, hiệu quả.

Hồ tiêu là cây thế mạnh của Việt Nam, mang lại thu nhập đáng kể và góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất hiện đang đứng trước nhiều rủi ro và thách thức. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ và thống nhất một số giải pháp để phát triển hồ tiêu bền vững. Kết luận Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi đã tổng kết các giải pháp cần thực hiện, đó là:

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra, giám sát không để người dân tự ý phát triển cây hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch, đặc biệt những vùng không phù hợp, thiếu nước tưới, những vùng đã quy hoạch phát triển cây trồng khác.

- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và chuyển giao gói kỹ thuật canh tác đồng bộ phù hợp với từng loại đất, khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Đẩy mạnh sản xuất giống hồ tiêu chất lượng, năng suất cao, thích nghi với điều kiện sinh thái.

- Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời nâng cao năng lực quản trị của hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại, sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc. 

- Tăng cường vai trò của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam trong việc chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên liên kết với nông dân, tổ chức nông dân xây dựng vùng nguyên liệu liên minh, liên kết chi phối thị trường, thống nhất tiêu chuẩn, chất lượng và giá cả.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hồ tiêu ở các thị trường lớn, khó tính, đồng thời tìm kiếm và mở rộng thị trường tiềm năng. Tích cực xây dựng “chỉ dẫn địa lý hồ tiêu”, thương hiệu hồ tiêu tại các vùng trồng tiêu nổi tiếng để tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân.

- Hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật các địa phương cần bám sát sản xuất hơn nữa, tăng cường tư vấn, hướng dẫn, chỉ đạo nông dân sản xuất hồ tiêu phù hợp. Thực hiện chương trình khuyến nông theo hướng sản xuất bền vững, an toàn, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn những quy trình kỹ thuật mới ban hành cho nông dân, giới thiệu và nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả để bà con áp dụng.

Với tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu , cùng với sự chỉ đạo và hướng dẫn sát sao từ trung ương đến địa phương, kết hợp những kinh nghiệm canh tác lâu năm của nông dân, trong điều kiện đứng trước nhiều rủi ro và thách thức như hiện nay, hy vọng trong tương lai ngành hồ tiêu của nước ta sẽ ngày càng phát triển bền vững, nhiều sản phẩm hồ tiêu sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, khẳng định thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới. 

Xem clip về Diễn đàn tại đây

Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia