Diễn đàn thu hút hàng trăm đại biểu tham dự, trong đó có các chuyên gia từ các cục, viện, trường chuyên ngành, Hội Làm vườn Việt Nam và đông đảo nông dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.

Toàn cảnh diễn đàn

Tại Diễn đàn, qua những báo cáo tham luận, ý kiến trao đổi của các chuyên gia tư vấn và người sản xuất, các đại biểu đã thu nhận được nhiều thông tin về tình hình phát triển kinh tế vườn hiện nay và những khó khăn, giải pháp để phát triển kinh tế vườn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại nhiều địa phương, kinh tế vườn đã ngày càng phát triển mạnh và hình thành nhiều mô hình đa dạng trong nông thôn và theo nhiều hướng như vườn cây ăn quả, mô hình vườn ao chuồng, vườn ao chuồng rừng, vườn – ao – chuồng – biogas, vườn du lịch sinh thái, vườn hữu cơ,… đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, chiếm 50 – 60% thu nhập/năm của nông hộ. Kinh tế vườn đã tạo nên một tập đoàn cây và con hết sức đa dạng và phong phú, trong đó nhiều loại nông đặc sản có giá trị kinh tế cao, nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng như cam Xã Đoài (Nghệ An), cam Bù, bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi Thanh Trà (Huế)… Ở một số tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, … khó phát triển cây trồng, nông dân cũng xây dựng mô hình thủy sản trên vùng cát trắng cho thu nhập từ 50 đến hàng trăm triệu đồng.

Ông Hồ Xuân Đài ở phường Thủy Biều, TP. Huế chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình vườn cây ăn quả 4 mùa (1.200 m2) – nhà rường cổ - du lịch sinh thái của gia đình đã mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.

Đại biểu trao đổi với ông Hồ Xuân Đài - chủ mô hình vườn cây ăn quả 4 mùa tại Huế

Trước tình hình phát triển đó, một số địa phương đã ban hành những chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế vườn như đầu tư cơ sở hạ tầng và khoa học kỹ thuật; dồn điền, đổi thửa; hướng dẫn và tạo điều kiện cho các trang trại chuyển đổi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ở trung ương, từ năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về kinh tế trang trại. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ vốn, khoa học – công nghệ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích phát triển và bảo hộ kinh tế trang trại. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng ban hành các văn bản hướng dẫn xác định tiêu chí kinh tế trang trại (Thông tư số 27/2011/TT-BNN&PTNT); Hướng dẫn lập quy hoạch phát triển kinh tế trang trại (Thông tư số 61/2000/TT-BNN/KH).

Tuy nhiên, phát triển kinh tế vườn vẫn còn nhiều khó khăn do chưa nhận thức đúng và phát huy tiềm năng, lợi thế của kinh tế vườn; Tính tự phát cao, bố trí cây trồng trong vườn chưa hợp lý; Thiếu liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa thực hiện được quy hoạch phát triển cho từng địa phương kết hợp phát triển trong và ngoài vùng; Công nghệ chế biến chưa gắn với vùng nguyên liệu, thiếu thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; Chưa có đủ sức cạnh tranh; Nguồn nhân lực làm kinh tế vườn còn thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật thâm canh. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến bất thường và kéo dài gây ô nhiễm môi trường, sinh thái bị hủy diệt, lãng phí tài nguyên. Từ đó đã ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, khiến hàng chục ngàn ha diện tích cây trồng cùng hàng ngàn con gia súc, gia cầm tại các tỉnh duyên hải miền Trung bị chết, gây thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho người nông dân.

 Tại Diễn đàn, bằng hình thức đặt câu hỏi qua Phiếu câu hỏi hoặc hỏi trực tiếp Ban cố vấn, các đại biểu đã được các chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin bổ ích như biện pháp để phát triển nhà vườn kết hợp du lịch, kỹ thuật sản xuất cây ăn quả theo VietGAP trong vườn từ khâu trồng, bón phân, tưới nước, bao trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến những biện pháp phòng trị bệnh ở một số cây trồng phổ biến trong vườn như bưởi, cam, quýt, ổi... Một số nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm như bệnh trên cây hồ tiêu, bệnh trên cây thanh long, kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ, sản xuất rau theo VietGAP, và đặc biệt là giải pháp để ổn định giá nông sản, tránh mất thương hiệu sản phẩm.

Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn

Đưa ra giải pháp để phát triển kinh tế vườn bền vững, GS.TS Ngô Thế Dân – Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: Phải đặt kinh tế vườn trong tổng thể cả hệ sinh thái VAC; Tiếp tục cải tạo vườn tạp, như kinh nghiệm ở Sơn La mỗi địa phương chọn 2 - 3 loại cây phù hợp, có hiệu quả, thực hiện ghép cải tạo; Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cần thiết để đạt năng suất cao, chất lượng tốt bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như kinh nghiệm làm vườn mẫu ở Hà Tĩnh có quy hoạch bố trí sắp xếp lại vị trí các khu vườn, ao, chuồng mang lại thu nhập 360 triệu đồng/vườn/năm; Thành lập câu lạc bộ hoặc hợp tác xã VAC theo luật Hợp tác xã kiểu mới; Người làm kinh tế vườn phải có kiến thức công nghệ thông tin, biết truy cập internet để quảng bá sản phẩm, tìm thị trường, nắm bắt thông tin kỹ thuật mới và có khả năng tổ chức du lịch sinh thái ngay trên vườn nhà mình.

Thống nhất với ý kiến trên, ông Cái Văn Thám – Chi cục trưởng Chi cục BVTV Thừa Thiên Huế đưa thêm giải pháp, đó là vấn đề kỹ thuật canh tác phải phù hợp với đặc điểm từng địa phương, nắm bắt tình hình thời tiết, dịch bệnh để đưa ra lịch thời vụ gieo trồng, chăm sóc, áp dụng đồng bộ công tác giống cây trồng, tuyển chọn cây đầu dòng, thu thập các giống mới để trồng cho phù hợp; áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững (VietGAP) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

TS. Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Kinh tế vườn trong nông hộ là một bộ phận cấu thành hữu cơ của nền kinh tế nông nghiệp, có vai trò quan trọng trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển nông nghiệp sinh thái, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Phát triển kinh tế vườn là tất yếu, nhưng để thích ứng với biến đổi khí hậu là rất khó do phụ thuộc vào thế mạnh từng vùng mà lựa chọn quy mô, đối tượng cây con, hình thức thực hiện cho phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế cao. Một số giải pháp được TS Trần Văn Khởi tổng kết tại Diễn đàn, đó là:

- Thành lập câu lạc bộ, hợp tác xã VAC hoặc nhóm người cùng sở thích tại mỗi vùng để tạo ra vùng sản xuất lớn để áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ hơn, từ đó hình thành nên những phát triển du lịch sinh thái rộng lớn, hấp dẫn du khách.

- Tư vấn kỹ thuật cho nông dân như cải tạo vườn tạp sao cho phù hợp với điều kiện chung và điều kiện riêng để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; Lựa chọn đối tượng cây con phù hợp, xây dựng vườn theo hướng khai thác giá trị kinh tế.

- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu để dần nâng cao trình độ canh tác của người nông dân trong việc chuyển đổi và khai thác vườn có hiệu quả.

- Xây dựng sản phẩm sạch và sản phẩm thương hiệu theo vùng miền.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, kiến thức và hành động cho người nông dân, từ đó có biện pháp phòng, tránh và cách thích ứng phù hợp.

Ban cố vấn, Ban chủ tọa Diễn đàn

Để thực hiện được những việc đó, TS. Trần Văn Khởi cũng đề xuất các cơ quan đơn vị:

- Sở Nông nghiệp và PTNT phải coi trọng kinh tế vườn, từ đó có chiến lược, chính sách phát triển cụ thể.

- Trung tâm khuyến nông các tỉnh cần đề xuất xây dựng mô hình kinh tế vườn gắn với xã nông thôn mới, tổ chức tập huấn cho nông dân nhằm nâng cao năng lực sản xuất cây – con trong vườn quy mô nông hộ.

- Hội Làm vườn Việt Nam, Cục Trồng trọt, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức nhiều sự kiện hơn nữa với quy mô toàn diện trên cả nước, đa dạng hóa hình thức tổ chức để dần nâng cao nhận thức cho người dân trong phát triển sản xuất và quảng bá sản phẩm nông nghiệp.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm vườn có xu hướng ngày càng tăng cao, nhưng yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng chặt chẽ và nghiêm ngặt, nếu mọi người tích cực thay đổi tư duy làm kinh tế vườn, chắc chắn kinh tế vườn sẽ làm thay đổi cuộc sống của người nông dân trở nên Giàu có và Hạnh phúc hơn.

Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia