Mục đích của Diễn đàn nhằm tạo điều kiện để người nuôi tôm các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tiếp cận với các thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, được giao lưu, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp góp phần giúp cho nghề nuôi tôm nước lợ thâm canh trong khu vực được phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh.

TS. Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ông Trần Đình Luân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn có hơn 310 đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương, gồm: Tổng cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản (Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Vụ Nuôi trồng Thủy sản), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ cùng đại diện các sở, ban, ngành, trung tâm khuyến nông khuyến ngư và nông dân của 8 tỉnh trong khu vực ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang). Ngoài ra, Diễn đàn còn có sự tham dự của các tổ chức, doanh nghiệp thủy sản (Tập đoàn tôm Việt Úc, Công ty TNHH Gia Tường, Công ty Cổ phần thực phẩm Saota – FIMEX Sóc Trăng, Công ty tôm giống Kim Sa Bạc Liêu). Các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương đã đến để đưa tin về Diễn đàn (Đài Tiếng nói Việt Nam, VTC 16, Tạp chí Thương mại, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Tiền Phong, Đài Truyền hình Sóc Trăng và Báo Sóc Trăng).

Ban Chủ tọa tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn, các nhà khoa học đã cảnh báo bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi đang diễn ra ngày càng phức tạp, hiện đã và đang lan rộng ra ở nhiều nước nuôi tôm trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra các con đường lây lan của bệnh, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn kèm theo một số khuyến cáo cho người nuôi tôm trong công tác phòng chống, hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi.

Dưới sự điều hành của Ban Chủ tọa, tất cả 35 câu hỏi của đại biểu đều được các thành viên trong Ban Cố vấn lần lượt giải đáp đầy đủ, thỏa đáng. Kết thúc Diễn đàn, Ban Chủ tọa có một số kết luận sau:

- Về thực hiện các chủ trương, quy định: Đề nghị người nuôi tôm hết sức coi trọng khuyến cáo của các nhà khoa học và cần chấp hành đúng lịch thời vụ thả giống của địa phương quy định; đối với các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện nên sớm áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm theo quy phạm VietGAP để hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn môi trường, vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc; đối với các cơ quan chức năng địa phương cần chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch vùng nuôi, cần tăng cường và có biện pháp quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, kiểm dịch chất lượng con giống, chất lượng các loại thức ăn và chế phẩm sinh học phục vụ nuôi tôm trên địa bàn quản lý để giúp nghề nuôi tôm được phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.

- Về các giải pháp kỹ thuật: Đề nghị người nuôi cần quan tâm đối với những cảnh báo và khuyến cáo của các nhà khoa học và của cơ quan quản lý các cấp từ khâu xử lý ao, chọn giống, quản lý chăm sóc đến lúc thu hoạch tôm; thả nuôi đúng thời vụ; mật độ nuôi thích hợp; không thả nuôi liên tục trên các ao đã bị nhiễm bệnh; chú trọng các biện pháp sinh học (nuôi tôm kết hợp cá rô phi, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học…) để hạn chế sử dụng các loại hóa chất và kháng sinh trong quá trình nuôi./.

Toàn cảnh Diễn đàn

Ban cố vấn giải đáp câu hỏi của nông dân tham gia Diễn đàn

Văng Đắt Phuông

 Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao CNNN vùng ĐBSCL