Nhằm tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp nước ta theo hướng công nghệ hóa, hiện đại hóa, thu hút các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; Với mục đích giới thiệu, tìm ra các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, góp phần thực hiện tái cơ cấu, phát triển chăn nuôi vùng Nam Bộ hiệu quả, bền vững; Ngày 11/8/2017, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi”.

Bà Hạ Thị Thúy Hạnh - Phó Giám đốc TTKNQG, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Lê Minh Khánh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang đồng chủ trì Diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có 279 đại biểu, trong đó có khoảng 180 đại biểu là nông dân đến từ 07 tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã được nghe 04 báo cáo của các đơn vị: Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang.

Toàn cảnh Diễn đàn

Năm 2016, theo Tổng cục Thống kê, chăn nuôi cả nước đã đạt trên 5 triệu con bò, trong đó có gần 300 ngàn con bò sữa, sản lượng sữa đạt gần 800 triệu tấn sữa, số đầu lợn đạt khoảng 29 triệu con, gia cầm trên 360 triệu con. Ước tổng số lợn cả nước bình quân năm 2014 - 2016 khoảng 13,1%. Đối với chăn nuôi gia cầm, ước tính tăng bình quân gia cầm cả nước 2014-2016 khoảng 3,14%. Tổng số bò tăng 6,3% nhưng chủ yếu là bò sữa. Riêng vùng Nam Bộ, lợn là vật nuôi chính đạt trên 7 triệu con bằng khoảng 25% so với cả nước. Đối với gà, trên 100 ngàn con khoảng 26% so với cả nước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 30%, sản lượng trứng gần 30%.

Tại các tỉnh phía Nam, một số địa phương đã và đang tiến hành triển khai xây dựng khu chăn nuôi công nghệ cao tạo tiền đề cho việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Khu vực Đông Nam Bộ có các tỉnh là Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh; khu vực Tây Nam Bộ có 02 tỉnh là Bến Tre và An Giang. Nhiều công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật đã và đang được ứng dụng và mang lại hiệu quả cao trong các lĩnh vực như sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, vắc-xin thú y, tự động hóa chuồng nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi. 

Đại biểu tham quan và trao đổi kinh nghiệm sản xuất với ông Trần Nguyễn Hồ, chủ Trang trại chăn nuôi chim cút xuất khẩu trứng qua Nhật Bản tại ấp Long Bình, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Mặc dù cho thấy những kết quả khả quan, song việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn bộc lộ nhiều hạn chế, do một số nguyên nhân như đòi hỏi chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ cao phải cần đến nguồn vốn lớn, nguồn nhân lực cao để vận hành máy móc kỹ thuật; cơ chế, chính sách sát thực tế nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia còn hạn chế. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi phải được coi là khâu thiên chốt, đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cùng với việc tổ chức liên kết chăn nuôi, tiêu thụ là giải pháp quan trọng mang tính chất quyết định tới sự thành công của việc phát triển chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập. 

Để ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, tổng hợp từ diễn đàn, các giải pháp được đưa ra như sau:

- Về cơ chế, chính sách: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn thôn; Hệ thống văn bản QPPL hướng dẫn thực hiện chương trình, chính sách về tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa trên quy mô lớn phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; Hoàn thiện chích sách về hợp tác công tư, liên kết tổ chức KH&CN với doanh nghiệp, liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách về đổi mới, chuyển giao công nghệ; chính sách hỗ trợ về lãi suất tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp; có các chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chăn nuôi, nông nghiệp.

- Về quy hoạch: Các địa phương trong quy hoạch khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp, chủ động cân đối ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã quy hoạch.

Đoàn tham quan Trại chăn nuôi heo Bình Minh của Giám đốc Lê Minh Ảnh  tại Chợ Gạo – Tiền Giang

- Về khoa học kỹ thuật: Tăng cường năng lực của các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao hiện có, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, chú ý công nghệ giống, nâng cao chất lượng giống vật nuôi. Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp. Nhập các công nghệ, bí quyết công nghệ từ nước ngoài, phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi, đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn của Việt Nam và thế giới.

- Về thông tin tuyên truyền: Tăng cường thông tin tuyên truyền các chủ trương chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến các tổ chức và cá nhân trong xã hội để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời tuyên truyền nhân rộng, tổ chức các đoàn tham quan, học tập các mô hình ứng dụng công nghệ cao hiệu quả.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn trả lời trực tiếp các câu hỏi của nông dân tại Diễn đàn

 

Diễn đàn đã nhận được 67 câu hỏi của đại biểu tham dự và được Ban chủ tọa, Ban cố vấn trả lời trực tiếp tại diễn đàn. Các câu hỏi chủ yếu tập trung vào nội dung  quan đến xử lý môi trường chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thị trường tiêu thụ, giống vật nuôi, thức ăn, thuốc thú y, dịch bệnh, quy trình chăn nuôi heo theo ứng dụng công nghệ cao liên quan đến các đối tượng vật nuôi: heo, bò, gà, dê, chim cút...; ngoài ra nông dân còn quan tâm thông tin các mô hình công nghệ cao chăn nuôi bò, dê, heo, chim cút; Chính sách của địa phương và trung ương hỗ trợ chăn nuôi theo công nghệ cao....

 Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia