Ngày 12/3/2015, tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã kết hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh và Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam tổ chức diễn đàn “Liên kết giữa sản xuất và chế biến để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng ĐBSCL”. Tham dự diễn đàn có 378 đại biểu (chưa kể đại biểu tỉnh Trà Vinh).

Đông đảo đại biểu và nông dân tham dự Diễn đàn

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhanh chóng và hiệu quả, ngoài vấn đề xây dựng, thực hiện kế hoạch và chỉ đạo, diễn đàn đã đề cập đến nhiều yếu tố cần quan tâm là: giống cây trồng; các gói kỹ thuật cho chuyển đổi; kỹ thuật thu hoạch; chế biến và liên kết để tiêu thụ. Những địa phương có sự kết hợp tốt giữa các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp với nông dân thì hiệu quả đạt được thường cao hơn các địa phương chưa xây dựng được mối liên kết trong chuyển đổi.

Kết luận diễn đàn, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Công tác giống cần được sự hỗ trợ của các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất giống. Mạng lưới cán bộ khuyến nông ở địa phương sẽ giúp nông dân nắm bắt được kỹ thuật và sản xuất cây trồng mới đạt năng suất, sản lượng cao hơn. Các giải pháp về sử dụng vật tư nông nghiệp như phân bón mới, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, hiệu quả là vấn đề quan trọng trong gói kỹ thuật khi áp dụng vào chuyển đổi. Trong canh tác, cơ giới hóa là vấn đề quan trọng hàng đầu, sẽ giúp cho giải quyết vấn đề thiếu lao động, giảm giá thành trong sản xuất. Trong khâu chế biến, bảo quản, phơi sấy nông sản thì việc áp dụng cơ giới hóa cho chế biến phơi sấy đã thực sự góp phần nâng cao chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả của người sản xuất. Điểm quan trọng trong liên kết là liên kết để tiêu thụ sản phẩm.

Tại Trà Vinh, Công ty Giống Cây trồng miền Nam đã xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất giống ngô lai, người nông dân được công ty hỗ trợ về giống, kỹ thuật và thu mua lại sản phẩm sau khi đã sấy khô đạt chất lượng làm giống. Nhờ mối liên kết này, nông dân Nguyễn Văn Minh ở thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi trồng lúa 3 vụ sang 2 vụ lúa và 1 vụ ngô lai giống NK66 giúp cho thu lợi nhuận cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Tại xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có 78 hộ đã chuyển đổi đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng màu gồm ngô giống, lạc, dưa hấu, dưa leo, khổ qua,... Sau chuyển đổi đã tăng thu nhập gấp 2 lần so với trồng lúa. Rất nhiều nông dân từ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang cũng tới dự diễn đàn và chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi đất lúa sang trồng màu thành công giúp tăng thu nhập.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã kiến nghị với các cơ quan quản lý về chính sách hỗ trợ, về nhu cầu áp dụng các kết quả của cơ quan nghiên cứu vào cơ giới hóa, nhất là khâu thu hoạch, sấy, bảo quản cho các cây trồng màu như ngô, lạc, vừng (mè), đậu,… Nông dân cần sự hỗ trợ về tập huấn đào tạo để nắm được kỹ thuật canh tác các cây trồng mới. 

Trong khuân khổ của diễn đàn, các đại biểu đã được tham quan mô hình sản xuất ngô lai, mô hình cơ giới hóa trong sấy bảo quản ngô giống. Tại diễn đàn, đã có 27 câu hỏi được các nhà quản lý, nhà khoa học trả lời và trao đổi. Diễn đàn được các đại biểu tham dự đánh giá là rất thiết thực, hiệu quả, chuyển tải rất nhiều thông tin cho sản xuất, đáp ứng mục đích yêu cầu đề ra.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất ngô lai 

và mô hình cơ giới hóa trong sấy bảo quản ngô giống.

Vũ Tiết Sơn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia