Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT, ở nước ta hiệu suất sử dụng phân bón chỉ đạt trung bình 45-50% với phân đạm, 25-35% với lân, 60% với kali. Không chỉ sản xuất phân bón kém chất lượng, việc sử dụng phân bón hiện cũng rất lãng phí. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sử dụng phân bón không hiệu quả, như do địa hình, đất đai, khí hậu không thuận lợi; công nghệ sản xuất lạc hậu; tư duy nặng về số lượng, năng suất dẫn tới nông dân thường bón phân nhiều gấp 2-3 lần so với nhu cầu; ít có những nghiên cứu và chương trình khuyến nông về phân bón… Đặc biệt là sự thiếu trách nhiệm, thậm chí vô lương tâm của một số nhà sản xuất, kinh doanh phân bón đang xảy ra khá phổ biến. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác đó là, do bà con mua phân bón ở các cơ sở không rõ nguồn gốc, chưa được hướng dẫn kỹ lưỡng cách sử dụng phân bón sao cho hiệu quả.   

TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn.

 

Mỗi năm Việt Nam nhập khoảng trên 500 nghìn tấn phân bón như: DAP, lân, kali. Thực tế đất nông nghiệp của nước ta không cần và không thể hấp thụ một lượng phân bón quá lớn như vậy. Để sử dụng phân bón cho hiệu quả tối ưu bà con nông dân nên sử dụng phân bón sinh học, vi sinh học để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón, giảm chi phí sản xuất.

 

Theo TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: “Hiện tại, quỹ đất các vùng Đồng bằng miền Bắc rất hạn chế, khó có khả năng mở rộng diện tích. Trong khi đó, ở vùng đồi núi, diện tích hoang hóa còn lại rất lớn cần được tái tạo và sử dụng. Do đó, phân bón có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nông nghiệp miền Bắc. Trong khi các nước phát triển có chiều hướng giảm việc sử dụng phân bón, thì tại Việt Nam, chiều hướng sử dụng phân bón lại tăng mạnh. Vì vậy, hiệu quả sử dụng phân bón thấp, gây ra thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đây là những câu hỏi chúng ta liên tục phải trả lời và phải có những ý kiến giải pháp xác đáng”.


Để góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong trồng trọt ở các tỉnh phía Bắc” nhằm mục đích tạo ra sân chơi bổ ích, giúp bà con nông dân có cơ hội được giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong việc sử dụng phân bón trong trồng trọt.

 

Tại Diễn đàn, các báo cáo tham luận tập trung vào các vấn đề chính như: Quản lý và sử dụng phân bón tại Việt Nam; Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón hiện nay đang áp dụng có hiệu quả; Kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng phân bón cho cây trồng; Một số mô hình sử dụng phân bón hiệu quả trên địa bàn các tỉnh.


Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm theo dõi và đóng góp ý kiến của hơn 300 đại biểu và nông dân đến từ 7 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang và Phú Thọ. Nhiều câu hỏi xung quanh một số vấn đề chính như: cách phân biệt phân thật, giả; các loại phân bón phù hợp cho từng loại cây trồng; cơ chế chính sách hỗ trợ người nông dân mua phân bón của nhà nước và doanh nghiệp; công tác quản lý và các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón…đã được Ban cố vấn giải đáp thỏa đáng. Bên cạnh việc trả lời các câu hỏi cho bà con nông dân, Ban cố vấn còn giới thiệu thêm cho bà con các phương pháp sử dụng và các loại phân bón khác có hiệu quả cho từng đối tượng cây trồng, phù hợp với khí hậu, môi trường nước của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống người dân theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp tư vấn, giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của bà con nông dân tại Diễn đàn.


Kết luận Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông nhấn mạnh: “Nội dung Diễn đàn lần này thực sự cần thiết giúp nông dân nâng cao hiểu biết về cách thức sử dụng phân bón một cách hiệu quả nhất, nhằm tìm ra giải pháp thích hợp giải quyết thực trạng hiện nay (trong sản xuất mới sử dụng được từ 35-40% lượng phân bón phần còn lại bị thất thoát và sử dụng lãng phí). Để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong trồng trọt, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu, thử nghiệm, triển khai các mô hình, cách làm hay; nâng cao công nghệ sản xuất, nghiên cứu từng loại phân bón thích hợp với từng loại đất, sử dụng phân bón theo tiêu chí 4 đúng: đúng loại, đúng cách, đúng lúc và đúng liều lượng".

 

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, trước khi diễn ra Diễn đàn 1 ngày, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kết hợp với với Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ và Công ty Cổ phần Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã tổ chức cho các đại biểu đi thăm và đánh giá hiệu quả mô hình “Liên kết sản xuất ngô giống LVN 99 áp dụng quy trình bón phân NPK khép kín” với quy mô 80 ha, gần 2.000 hộ tham gia, tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

 

Đại biểu tham quan mô hình “Liên kết sản xuất ngô giống LVN 99 áp dụng quy trình bón phân NPK khép kín”

tại Kinh Kệ - huyện Lâm Thao - Phú Thọ.

 


Xuân Minh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia