Tham gia diễn đàn có gần 300 đại biểu là đại diện các Cục, Vụ, Viện của Bộ NN&PTNT, đại diện lãnh đạo Sở NN và PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam. Vĩnh Phúc… Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ dịch vụ, các cơ sở sản xuất cùng đông đảo bà con nông dân quan tâm đã đến tham dự.

Ban chủ tọa Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Tính đến năm 2014, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp của cả nước đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, đối với lúa đạt 2,2 HP/ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2008. Số lượng máy động lực, máy nông nghiệp sử dụng trong nông nghiệp có mức tăng nhanh. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình đang gặp nhiều khó khăn, tính bình quân thu nhập trên một đơn vị diện tích thì lớn nhưng số diện tích thực làm rất thấp so với năng lực của máy móc. Để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, cần phải thay đổi tư duy của người nông dân, từ đó thay đổi phương thức sản xuất. Việc đề ra các giải pháp xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát huy sức mạnh tập thể trong liên kết giữa các hộ nông dân sản xuất trên cùng một cánh đồng, giữa doanh nghiệp với nông dân và nông dân với các nhà khoa học rất cần thiết.

Toàn cảnh Diễn đàn

Tại Diễn đàn, câu hỏi của các doanh nghiệp và bà con nông dân xoay quanh các vấn đề về kỹ thuật sử dụng, chủng loại các loại máy cơ giới hóa đang được áp dụng hiện nay, địa chỉ và các cơ sở tin cậy khi mua sản phẩm cũng như sửa chữa, bảo dưỡng, chính sách hỗ trợ  khi mua sắm thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất lúa,... Các câu hỏi thảo luận và thắc mắc của bà con nông dân được Ban cố vấn Diễn đàn giải đáp đầy đủ, cung cấp các thông tin cần thiết, giới thiệu các chủng loại máy phù hợp với đặc thù sản xuất tại địa phương.

Kết luận Diễn đàn, TS Phan Huy Thông nhấn mạnh, để đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp cần phải tạo ra một cách làm mới, kỹ thuật mới, trong đó các hộ nông dân thống nhất từ khâu chọn giống, làm đất, thời điểm gieo cấy đến khâu thu hoạch và chăm sóc cây trồng theo hướng đồng bộ. Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất là cần thiết, nhưng người dân phải chủ động hợp tác, liên kết với các chủ máy. TS đánh giá cao cách làm của Tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất mạ khay máy cấy ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) và cách tổ chức, quản lý hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của chủ Cơ sở Tiến Anh (xã Định Hòa, Yên Định, Thanh Hóa). 

Các đại biểu đã thăm mô hình trình diễn máy gặt đập liên hợp và thu gom rơm bằng máy tại xã Hoằng Quý, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Các đại biểu thăm quan máy cấy mạ khay trưng bày tại Diễn đàn

Xuân Minh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia