Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục trồng trọt, ông Trần Văn Khởi - Quyền giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ông Lê Văn Đời - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang đồng chủ trì diễn đàn. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đến dự và phát biểu chào mừng.

Tham dự diễn đàn có 372 đại biểu gồm các nhà khoa học, doanh nghiệp, lãnh đạo trung tâm khuyến nông và 180 nông dân đến từ 07 tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh.

Toàn cảnh Diễn đàn

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, những năm gần đây quy luật thời tiết vùng ĐBSCL thay đổi rất bất thương. Lũ hàng năm về ĐBSCL đã có xu thế giảm dần; lũ rất lớn hiếm khi xảy ra và khả năng cao sẽ “mất lũ” (lũ rất nhỏ). Tình trạng đó làm giảm phù sa vào ruộng; sản xuất lúa thu đông không lo bấp bênh vì ngập lũ. Xu thế xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn 1-1,5 tháng từ cuối tháng 12, đầu tháng 1; khả năng kéo dài đến 6 tháng hoặc hơn; Độ mặn đầu mùa (tháng 1, 2) có khả năng lớn hơn giữa mùa (tháng 3, 4) là ngược với quy luật xâm nhập mặn trước đây. Nước mặn xâm nhập vào nội đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác lúa ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long: (i) Ảnh hưởng đến quá trình trổ, chín của lúa Đông Xuân do thiếu nước vì không thể sử dụng nước mặn để cung cấp cho lúa vào cuối vụ, gây khô hạn ảnh hưởng đến thời vụ lúa Hè Thu; (ii) Ảnh hưởng gián tiếp làm rối loạn các quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa, suy giảm năng suất lúa; (iii) Ảnh hưởng đến canh tác lúa trong hệ thống lúa – tôm; (iv) Về lâu dài làm cho đất trồng lúa bị nhiễm mặn khó cải tạo.

Sự dâng lên của nước biển, giảm thiểu dòng chảy từ thượng nguồn, gia tăng hạn hán, xâm thực mặn, phèn hóa đang biểu hiện ngày càng rõ rệt và chưa có khuynh hướng dừng lại. Do đó, cấp thiết phải xây dựng các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động này tại ĐBSCL. Các viện nghiên cứu về thủy lơi, quy hoạch nông nghiệp, nghiên cứu cây trồng, doanh nghiệp cũng đưa ra các giải pháp canh tác cây trồng hợp lý cho từng vùng, từng tiểu vùng sản xuất trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và chuyển giao của mình.

Các đại biểu tham quan mô hình lúa cấy và điểm khảo nghiệm phân urea-bio tại ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang 

Diễn đàn đã nhận được 30 câu hỏi của đại biểu tham dự, tập trung vào những đối tượng cây ăn trái (mãng cầu xiêm, vú sữa, dừa, cam, xoài...) và cây lúa với các vấn đề liên quan gồm: giống, kỹ thuật trồng, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nông dân đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Các câu hỏi đã được Ban cố vấn diễn đàn trả lời đáp ứng được yêu cầu của người hỏi, góp phần nâng cao hiểu biết về kỹ thuật sản xuất, chính sách của Nhà nước áp dụng vào sản xuất của địa phương và nông hộ.

Kết luân hội nghị, TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá hội nghị có sự tham gia của nhiều bên, sự phối hợp tốt của Sở Nông nghiệp – PTNT Hậu Giang và đã đạt được mục tiêu đề ra. Một số nội dung được thống nhất chung như sau:

- Nhiều giải pháp về canh tác cây trồng ứng phó với BĐKH được đưa ra, song tùy vào điều kiện kinh tế xã hội của địa phương để lựa chọn giải pháp khả thi nhất, hiệu quả nhất và có lộ trình áp dụng đồng bộ các giải pháp canh tác cây trồng để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra.

- Định hướng sản xuất cây trồng thích ứng tác hại xấu do BDKH gây ra là: quy hoạch vùng sản xuất thích hợp cho từng loại cây trồng, chọn giống chống chịu tốt, áp dụng kỹ thuật canh tác mới theo hướng tiết kiệm chi phí, cải tạo hệ thống công trình thủy lợi. Để cây trồng né tránh tác hại xấu của BĐKH cần chuyển đổi thời vụ gieo trồng, chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn, chuyển sang kết hợp nuôi trồng thủy sản…

- Tăng cường sự vào cuộc của chính quyền, ngành nông nghiệp địa phương như: Củng cố tổ chức của nông dân, đặt biệt tăng cường năng lực của ban giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp; Tạo điều kiện cho các nhà khoa học, khuyến nông chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nông dân; Tạo điều kiện doanh nghiệp liên kết, chuyển giao công nghệ sản xuất cây trồng theo chuỗi giá trị; Định hướng sản xuất cho nông dân trên cơ sở điều kiện tự nhiên và thị hiếu của thị trường.

- Hệ thống khuyến nông cấp tỉnh tiếp tục tư vấn hướng dẫn nông dân canh tác cây trồng hiệu quả, tuyên truyền khuyến cáo các mô hình sản xuất tốt để lan tỏa ra sản xuất đại trà.

Đại biểu tham quan mô hình mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát của hộ Trần Hoài Phong-Giám đốc HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang 

 

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia