Về dự Diễn đàn có ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh Gia Lai; Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lê Văn Lịnh, đại diện Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đại diện các huyện của tỉnh Gia Lai,  Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông và 260 bà con nông dân của 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Diễn đàn còn thu hút sự quan tâm của 13 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Toàn cảnh Diễn đàn

Diễn đàn diễn ra vào thời điểm các tỉnh Tây Nguyên vừa trải qua đợt hạn hán khốc liệt, nghiêm trọng nhất trong lịch sử hàng chục năm qua tại Tây Nguyên. Vùng đất đỏ bazan trù phú - nơi được coi là vựa cà phê, vựa tiêu của cả nước đã và đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của đợt El Nino dài nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh Tây Nguyên đã có 165.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, khô hạn làm giảm năng suất từ 30% - 70% hoặc chết khô, mất trắng. Trong số này, tỉnh Đắk Lắk là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất với 70.155 ha diện tích cây bị khô hạn, diện tích mất trắng là 6.703 ha. Riêng diện tích cà phê và hồ tiêu bị hạn đã lên tới 60.547 ha và diện tích mất trắng là 4.676 ha. Tỉnh Lâm Đồng có 30.439 ha bị thiếu nước tưới, mất trắng 161 ha. Tỉnh Đăk Nông có 22.755 ha cà phê, hồ tiêu bị ảnh hưởng và mất trắng 1.767 ha cà phê. Tỉnh Gia Lai có 22.284 ha bị ảnh hưởng với diện tích cà phê và hồ tiêu là 7.017 ha. Tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng 2.015 ha, mất trắng 87 ha. Trong khi đó, hầu hết các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, các dòng suối trên địa bàn Tây Nguyên đã khô cạn. Hạn hán còn khiến 28.300 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết, đời sống của bà con vùng Tây Nguyên bị đe dọa nghiêm trọng.

Ngay từ những ngày đầu, để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán có khả năng kéo dài và khốc liệt ở Tây Nguyên, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra cho khu vực Tây Nguyên và hỗ trợ đời sống của bà con. Các địa phương tại Tây Nguyên cũng đã và đang huy động tối đa các nguồn lực để tìm giải pháp chống hạn và giúp bà con khôi phục lại sản xuất.

Giám đốc Công ty 706 chia sẻ kinh nghiệm đào hố trồng cà phê

Tại diễn đàn, hàng chục báo cáo về tình hình hạn hán, các hướng dẫn khôi phục sản xuất sau hạn hán, các kinh nghiệm ứng phó với hạn hán… và nhiều mô hình điển hình tiên tiến vượt qua khó khăn trong sản xuất đã được chia sẻ. Hội trường UBND huyện Chư Pứh “nóng lên” với trên 30 câu hỏi của bà con nông dân và các cán bộ khuyến nông liên tiếp được chuyển lên cho ban chủ tọa, ban cố vấn diễn đàn. Nội dung câu hỏi tập trung chủ yếu vào các chủ đề: kỹ thuật phục hồi cho cây cà phê và hồ tiêu sau hạn hán, kỹ thuật tái canh cà phê, các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc phòng trị bệnh cho cây cà phê và hồ tiêu an toàn trong sản xuất, các chủ trương chính sách khôi phục sản xuất, hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Dưới sự hướng dẫn và trả lời câu hỏi của các nhà quản lý, nhà khoa học, những vướng mắc mà bà con nông dân đang gặp phải trong quá trình khôi phục sản xuất sau hạn hán đã được giải đáp hết sức rõ ràng.         

Tham quan vườn cà phê tái canh của Công ty 706 ở xã Ia Yok, huyện IaGrai

Kết luận diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Phan Huy Thông nhấn mạnh: Những hậu quả mà hạn hán gây ra cho khu vực Tây Nguyên không thể khắc phục trong một sớm một chiều. Vì vậy, các cấp, các ngành địa phương và bà con nông dân cần kịp thời bắt tay ngay vào công tác khắc phục hậu quả sau hạn hán ngay những ngày đầu mùa mưa này. Các giải pháp kỹ thuật:

- Phân loại, đánh giá mức độ thiệt hại để xác định hướng khôi phục sản xuất.

* Đối với cây cà phê:

+  Những vườn cà phê bị hạn nặng, lá, cành đã bị khô và rụng trầm trọng (thiệt hại năng suất 70 - 100%):

 Những vườn cà phê bị chết thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, những năm gần đây liên tục bị thiếu nước, về lâu dài không chủ động được nguồn nước tưới bền vững, cần chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu sử dụng nước ít hơn.

Những vườn cà phê bị chết do khô hạn, nhưng có khả năng đảm bảo nguồn nước tưới trong điều kiện khí hậu thời tiết bình thường và nằm trong vùng quy hoạch thì thực hiện tái canh áp dụng theo quy trình đã ban hành.

Những vườn cà phê bị thiệt hại ít hơn, tùy từng trường hợp có thể xem xét để có biện pháp ghép cải tạo hoặc cưa đốn, phục hồi.

+ Những vườn cà phê bị ảnh hưởng của hạn hán ở mức độ nhẹ và trung bình (năng suất có thể bị giảm từ 30 - 70%) cần đốn tỉa cành và tạo tán.

* Đối với cây hồ tiêu: Đối với các diện tích đã bị chết, tùy vào điều kiện kinh tế, đất đai để trồng lại hoặc luân canh cây trồng khác. Những vườn cây ít bị ảnh hưởng cần chăm sóc ngay khi có nước tưới. Bón phân hợp lý, cân đối, kết hợp giữa phân chuồng, phân hữu cơ với phân hóa học. Thời điểm này, các tỉnh Tây Nguyên bắt đầu vào mùa mưa, cũng là thời điểm dễ bùng phát các loại sâu, bệnh hại vì vậy việc quản lý vườn cây đặc biệt quan trọng. Hệ thống khuyến nông cần sát cánh cùng bà con trong việc quản lý dịch bệnh. Trong khi đó vào tháng 6, Tây Nguyên thường xuất hiện các đợt nắng nóng trong thời gian ngắn, bà con cần sử dụng tưới bổ sung nước, che sáng, tủ gốc cho cây.   

- Khi bón phân cho cà phê và hồ tiêu, bà con cần tìm hiểu kỹ, nên có chuyên gia hướng dẫn cụ thể về thời điểm, liều lượng… Đồng thời áp dụng tưới tiết kiệm, tránh độ ẩm quá mức.

Ban chủ tọa Diễn đàn

- Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư đầu vào không đảm bảo chất lượng để tránh thiệt hại cho bà con nông dân. Đối với bà con nông dân nên mua phân bón, vật tư tại các đại lý uy tín, sản phẩm có nhãn hiệu rõ ràng. Nên sử dụng tối đa phân hữu cơ, không sử dụng hóa chất, chất cấm trong quá trình sản xuất.

Giải pháp chỉ đạo: Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố và hệ thống khuyến nông cần tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tổ chức triển khai tập huấn kỹ thuật tới bà con nông dân. Các địa phương cần rà soát quy hoạch để khuyến cáo bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ xuất bản một số tài liệu dựa trên chủ đề của diễn đàn này để phổ biến tới bà con nông dân trong thời gian sớm nhất.

Kiến nghị Cục Trồng trọt sửa và sớm ban hành Quy trình tái canh cà phê để bà con có thể vay vốn thuận lợi hơn và chủ động sản xuất.

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem video về Diễn đàn tại đây