Toàn cảnh Diễn đàn

Với lợi thế về đất đai, khí hậu, vùng ĐBSCL lâu nay vẫn là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sản xuất và tiêu thụ lúa gạo gặp nhiều khó khăn, giá thấp làm cho lợi nhuận của người trồng lúa giảm sút. Do vậy việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa vùng ĐBSCL là rất cấp thiết.

Trong định hướng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, cây ngô lai và đậu nành cần được ưu tiên hàng đầu vì dễ trồng, phù hợp với điều kiện của vùng, đồng thời nguồn cung trong nước đối với hai loại nông sản này vẫn không đủ. Thời gian qua, nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Việc chuyển đổi đã làm đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị nông sản, tăng hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất, góp phần nâng cao đời sống của nông dân.

Thăm cánh đồng khoai mỡ luân canh trên đất lúa tại huyện Măng Thít, Vĩnh Long

Tuy nhiên, thực tế diện tích chuyển đổi từ cây lúa năng suất thấp sang các loại hoa màu khác ở ĐBSCL rất thấp. Diễn đàn đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, đó là: thiếu giống ngô có năng suất vượt trội để cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa; khó khăn trong quy hoạch vùng sản xuất tập trung; khó khăn trong ứng dụng cơ giới hóa; điều kiện bảo quản, sơ chế khi thu hoạch không đảm bảo; chưa có sự liên kết trong khâu tiêu thụ;…

Tại Diễn đàn, đại biểu nhất trí rằng, các cơ quan quản lý và nghiên cứu cần khuyến cáo cho bà con nông dân cụ thể hơn về thời vụ, qui trình kỹ thuật,…thực hiện chuyể đổi. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong một số khâu như: giống, vật tư nông nghiệp và áp dụng cơ giới hóa nhằm giảm giá thành sản xuất, nên tập trung đầu tư vào một số khâu, một số vùng cụ thể để đạt hiệu quả cao, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra nhiều vùng khác.

Phó Giám đốc TTKNQG Trần Văn Khởi kết luận Diễn đàn

Kết luận Diễn đàn, Phó Giám đốc TTKNQG Trần Văn Khởi nhấn mạnh, công tác luân canh cây màu chuyển đổi trên đất lúa cần phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và tập trung vào một số giải pháp chính. Đó là: Có quy hoạch cụ thể của địa phương dựa trên quy hoạch tổng thể của Nhà nước; Lựa chọn và áp dụng gói kỹ thuật phù hợp cho các cây trồng chuyển đổi nhằm mang lại hiệu quả cao; Cần huy động các nguồn vốn tại địa phương và tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước; Các chính sách của địa phương cần phải chi tiết cụ thể trên cơ sở tiến hành và vận dụng cơ chế chính sách của Trung ương. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao công tác thông tin tuyên truyền và báo cáo kết quả thực hiện, từ đó kịp thời chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất kiến nghị lên cơ quan cấp trên những giải pháp hữu hiệu trong quá trình thực hiện.

Vũ Tiết Sơn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia