Đồng chủ trì Diễn đàn có TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi; Ông Phan Anh Vũ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; Ông Phan Nhựt Ái - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long.

Tham gia Diễn đàn gồm những chuyên gia từ Cục Chăn nuôi, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO); Cơ quan Thú y vùng VII – Cục Thú y; Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Vigova - Viện chăn Nuôi; Trung tâm khuyến nông các tỉnh trong vùng. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của 363 đại biểu, trong đó có 295 nông dân trực tiếp chăn nuôi vịt đến từ 9 tỉnh ĐBSCL (Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Kiên Giang).

Ban chủ tọa, Ban cố  vấn Diễn đàn

Nước ta có tổng đàn vịt đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc và là một trong 10 quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất trên thế giới, được đánh giá là đối tượng vật nuôi có tiềm năng. Tuy nhiên, thời gian gần đây ngành chăn nuôi vịt nói riêng và ngành chăn nuôi gia cầm nói chung đang đối mặt với nhiều khó khăn như: giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, chưa chủ động con giống nội địa, dịch bệnh đàn gia cầm diễn biến phức tạp..., nhất là khi Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn cho ngành chăn nuôi vịt, việc tổ chức Diễn đàn lần này nhằm tuyên truyền, định hướng cho người chăn nuôi vùng ĐBSCL lựa chọn hình thức chăn nuôi vịt, con giống phù hợp theo điều kiện của từng địa phương và khả năng thị trường tiêu thụ; giúp bà con thay đổi tập quán chăn nuôi, từ nuôi truyền thống kém hiệu quả, chuyển sang đầu tư nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời Diễn đàn cũng đề xuất các chính sách phù hợp, quy hoạch vùng chăn nuôi vịt tập trung và đưa ra các giải pháp phát triển nuôi vịt thịt, vịt đẻ bền vững, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu phù hợp với điều kiện thực tiễn của vùng ĐBSCL, góp phần thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng.

Tại Diễn đàn có trên 60 câu hỏi của đại biểu và nông dân đã được Ban chủ tọa, Ban cố vấn trả lời thỏa đáng; xoay quanh các vấn đề về: các tiến bộ kỹ thuật mới (VietGAP, VietGAHP, mô hình chăn nuôi vịt trên nền đệm lót sinh học...); con giống, kỹ thuật phòng, trị bệnh cho vịt, chính sách quản lý, quy hoạch, hỗ trợ trong chăn nuôi vịt; các mô hình nuôi vịt theo hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ.

Năm 2014, tổng đàn thủy cầm của cả nước đạt 86,2 triệu con, riêng đàn vịt đạt 68,407 triệu con, chiếm 20,9% tổng đàn gia cầm của cả nước (327.696.000 con). Tại vùng ĐBSCL, riêng đàn vịt, năm 2014, đạt 25,450 triệu con, chiếm 37,2% so với tổng đàn vịt của cả nước và chiếm 43,7% tổng đàn gia cầm trong vùng. Đặc biệt, ĐBSCL là nơi duy nhất trong cả nước xuất khẩu mặt hàng trứng vịt muối trong nhiều năm nay; thị trường xuất khẩu chính là Singapore, Malaysia và Hồng Kông. Trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất xuất khẩu đạt 1.008.730 USD.

Hiện nay chăn nuôi gia cầm nông hộ nhỏ lẻ ở ĐBSCL đang có chiều hướng giảm dần, thay vào đó số trang trại chăn nuôi quy mô lớn và chăn nuôi theo hướng công nghiệp đang dần tăng. Năm 2014, toàn vùng có 908 trang trại chăn nuôi, tổng số trang trại chăn nuôi của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre chiếm 79,2% số trang trại của toàn vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, các hình thức chăn nuôi cũng đang dần thay đổi theo xu hướng giảm chăn nuôi chạy đồng xa, chuyển sang chăn nuôi vịt chạy đồng gần có kiểm soát. Toàn vùng ĐBSCL đã cấp 13.286 sổ quản lý đàn vịt chạy đồng, với tổng đàn vịt gần 10,9 triệu con. Cùng với đó, các mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm đã hình thành, nhiều hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với chế biến và tiêu thụ. Trong những năm qua, nước ta đã du nhập nhiều giống vịt có chất lượng tốt, đem lại giá trị kinh tế cao.

Các đại biểu tham quan cơ sở sản xuất trứng vịt muối

Tuy gặt hái được nhiều thành tựu, nhưng trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi vịt ở nước ta nói chung và tại các tỉnh vùng ĐBSCL nói riêng vẫn gặp không ít khó khăn và đang bộc lộ nhiều hạn chế. Việc sản xuất vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, chậm đổi mới tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, chi phí đầu vào cao,… đang làm giảm sức cạnh tranh. Đây đang là thách thức lớn với ngành chăn nuôi gia cầm nói chung và chăn nuôi vịt nói riêng nhất là khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thời gian qua, mặc dù đã làm chủ được các giống vịt nội địa nhưng do thiếu một chương trình trọng điểm trong nghiên cứu giống nên vẫn chưa có con giống chất lượng có thể cạnh tranh với các dòng nước ngoài. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh ngành chăn nuôi còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi của nông hộ.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, trong đó chăn nuôi vịt, trước mắt, duy trì ở vùng ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng; sau đó mở rộng sang vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Duyên hải miền Trung. Cần tăng đàn vịt đẻ trứng, vịt nuôi thịt: tổng đàn thủy cầm đạt 84 triệu con năm 2013 lên 100 triệu con năm 2020, trong đó vịt đẻ trứng từ 29 triệu con lên 40 triệu con; sản lượng thịt chiếm 40% tỷ trọng thịt gia cầm. Tái cơ cấu về phương thức sản xuất chăn nuôi: chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Đối với vịt, số lượng đầu con tăng từ 20% lên 60%, sản lượng thịt tăng từ 25% lên 50%; trứng tăng từ 25% lên 45%. Đến năm 2020: xuất khẩu 1,0 triệu tấn thịt lợn hơi; 1 - 2 tỷ quả trứng vịt muối và từ 70 - 100 ngàn tấn thịt vịt. Để đạt được mục tiêu đó, tại Diễn đàn đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu như sau:

- Quản lý Nhà nước: Tăng cường triển khai quản lý nhà nước về giống vật nuôi; quản lý tốt cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vịt.

- Về quy hoạch: Từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, xa khu dân cư, kiểm soát an toàn dịch bệnh và quản lý môi trường. Quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ; xây dựng và mô hình liên kết sản xuất giết mổ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

- Con giống: Tổ chức lại hệ thống chọn lọc, nhân giống và cung ứng giống cho sản xuất. Không sử dụng gia cầm thương phẩm làm giống bố mẹ. Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ cho mỗi địa phương; đảm bảo chất lượng nguồn giống cho người chăn nuôi.

- Về khoa học kỹ thuật và khuyến nông: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích chăn nuôi theo mô hình trang trại khép kín. Hướng dẫn các trang trại ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), chăn nuôi ATSH...;

- Phòng chống dịch bệnh: Xây dựng quy trình giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm từ xã đến tỉnh, đặc biệt hệ thống báo cáo định kỳ, đột xuất về dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện chăn nuôi, điều kiện vệ sinh thú y đối với các trang trại, các cơ sở chăn nuôi và giết mổ súc gia cầm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, khuyến cáo người chăn nuôi tuân thủ tiêm phòng định kỳ cho đàn vịt nuôi; có biện pháp xử lý chất thải và khử trùng khu vực nuôi để hạn chế phát sinh dịch bệnh cho vịt.

- Sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ, giảm bớt khâu trung gian nhằm tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

- Cơ chế, chính sách: Rà soát và đề xuất các cấp thẩm quyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi 2015 - 2020 phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu ngành, phân kỳ theo từng giai đoạn.

Cũng trong Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết chăn nuôi an toàn sinh học gắn với bao tiêu sản phẩm giữa Trung tâm Khuyến nông tỉnh với cơ sở sản xuất kinh doanh.

Lễ ký kết giữa hai doanh nghiệp tại Diễn đàn

 

 Vũ Thị Bích Dương 

Trung tâm Khyến nông Quốc gia