Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành của tỉnh Hà Giang; Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai; đại diện các hợp tác xã và bà con nông dân chăn nuôi lợn tại các địa phương.

Hơn 200 đại biểu tham dự Diễn đàn

 

Việc tổ chức Diễn đàn nhằm tạo điều kiện để 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân) được giao lưu, đối thoại trực tiếp những vấn đề liên quan các giải pháp về phát triển chăn nuôi lợn giống bản địa bền vững. Đồng thời, thông qua diễn đàn giúp bà con nông dân tiếp cận với những chính sách của Nhà nước, những kiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi lợn giống bản địa: từ công tác giống, quy trình chăm sóc, vệ sinh thú y và xây dựng thương hiệu; nắm bắt được thị trường và chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn giống bản địa.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Hạ Thúy Hạnh – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, các tỉnh miền núi phía Bắc có số lượng các giống lợn bản địa phong phú với 09 nhóm giống được bảo tồn là: lợn Táp Ná, lợn Hạ Lang và lợn Hương được nuôi ở tỉnh Cao Bằng; lợn Lũng Pù và lợn Hung được nuôi ở tỉnh Hà Giang; lợn Mường Tè ở tỉnh Lai Châu; lợn Mường Khương ở tỉnh Lào Cai; lợn Lửng ở tỉnh Phú Thọ; lợn Mán ở tỉnh Hòa Bình. Các giống lợn này đều thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều mô hình chăn nuôi lợn bản địa của bà con vùng núi phía Bắc đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Với Luật Chăn nuôi 2018 và Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 mới được ban hành, phát triển chăn nuôi lợn bản địa và các giống vật nuôi bản địa khác sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh và mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.

TS. Hạ Thúy Hạnh – PGĐ TTKNQG, ông Hoàng Hải Lý - GĐ Sở NN&PTNT Hà Giang chủ trì Diễn đàn

 

Tuy nhiên, để các mô hình nuôi lợn bản địa trở thành hàng hóa mang lại thu nhập ổn định cho người dân cần phải có giải pháp toàn diện về bảo tồn nguồn gen, về quy hoạch, về khoa học công nghệ, về các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển...

Để bảo tồn và phát triển giống lợn bản địa, năm 2018 - 2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Giang đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (lợn Lũng Pù, lợn Mán, lợn Mường Khương, …) theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao tại 4 tỉnh gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái và Lào Cai. Mô hình có quy mô gồm 54 lợn đực, 486 lợn cái. Đến nay, tại các địa phương, đàn lợn cái hậu bị và lợn đực giống do dự án cấp đang sinh sản và phát triển tốt. Dự án được đánh giá là chương trình khuyến nông phù hợp với định hướng ưu tiên của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và bảo tồn nguồn gen quý hiếm từ vật nuôi bản địa.

 
Nhiều mô hình chăn nuôi lợn bản địa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con miền núi thoát nghèo

 

Đàn lợn giống Lũng Pù trong mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn sinh học tại Hà Giang

 

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã có nhiều tham luận giá trị liên quan đến việc triển khai công tác giống, phát triển đàn lợn bản địa; kết quả và bài học kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi lợn bản địa tại các địa phương. Ban cố vấn diễn đàn cũng giải đáp nhiều câu hỏi về kĩ thuật chăn nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh, xử lí chất thải chăn nuôi, cơ chế hỗ trợ, đầu ra sản phẩm…

Để phát triển tốt chăn nuôi lợn bản địa trong giai đoạn tiếp theo, diễn đàn đã đưa ra một số kiến nghị như:

- Đề nghị Cục Chăn nuôi ưu tiên các chương trình giống về lợn bản địa từ công tác chọn tạo giống và chương trình giống quốc gia; ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống để phục tráng, chọn tạo và bảo tồn giống bản địa.

- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh miền núi phía Bắc cần có các chính sách phát triển chăn nuôi lợn bản địa như chương trình bảo tồn và phát triển giống bản địa, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý,… đồng thời nhân rộng mô hình khuyến nông trung ương trên địa bàn tỉnh.

- Chi cục Chăn nuôi thú y các tỉnh phối hợp với hệ thống khuyến nông để triển khai các chương trình tiêm phòng vắc-xin, chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi.

- Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: xây dựng các chương trình phát triển chăn nuôi lợn bản địa; đề xuất các cơ chế đặc thù cho chăn nuôi lợn bản địa tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với Cục Chăn nuôi đánh gá các mô hình chăn nuôi lợn bản địa để đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển chăn nuôi lợn bản địa vùng cao; tiếp tục ưu tiên các chương trình khuyến nông về lợn bản địa; xây dựng tài liệu kỹ thuật về chăn nuôi lợn bản địa bằng tiếng dân tộc để bà con vùng cao dễ sử dụng…

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

 

Nông dân tham dự Diễn đàn đặt câu hỏi tới các chuyên gia

 

Trong chương trình diễn đàn, chiều ngày 19/11/2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và đoàn đại biểu các tỉnh đã đến tham quan mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (lợn Lũng Pù) tại thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc.

 
Các đại biểu tham quan và trao đổi với chủ hộ thực hiện mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn sinh học tại thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc

 

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Giang

 

 

 

Văn Hưởng 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia