Diễn đàn có sự tham dự của 200 đại biểu là đại diện của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Viện Bảo vệ thực vật; Hội Làm vườn Việt Nam; Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang; Trung tâm Khuyến nông và Hội Làm vườn, Hội Nông dân, nông dân đến từ 5 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn; cùng một số doanh nghiệp nông nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.

Trong những năm gần đây, kinh tế vườn chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, kinh tế vườn đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với người nông dân, là nhân tố phát triển nông nghiệp bền vững.

Thực tế hiện nay, nhiều hộ dân áp dụng kinh tế vườn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như hộ ông Hoàng Quyết Thắng, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Với tổng diện tích 8 ha, trong đó có 4 ha trồng cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ công đầu tư chăm sóc nên vườn cam của gia đình ông luôn xanh tốt, năng suất quả đạt khoảng 20 đến 25 tấn/ha; sản lượng thu hoạch bình quân đạt 120 tấn/năm; tổng thu nhập bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/năm; trừ chi phí, lợi nhuận đạt 800 triệu đồng/năm.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng cam theo VietGAP của ông Hoàng Quyết Thắng, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Đi tham quan mô hình trồng cam sành theo VietGAP của ông Hoàng Quyết Thắng, GS.TS Ngô Thế Dân – Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng: Kinh tế vườn không những đem lại thu nhập cao, ổn định cho nông dân mà còn góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trở nên hiện đại và khang trang hơn.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế vườn hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tại  Diễn đàn, các đại biểu đã nêu ra những khó khăn đó như: Người dân khó tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn; Điều kiện kinh tế và trình độ của hộ sản xuất khó đáp ứng được các yêu cầu trồng thâm canh sản xuất theo VietGAP; Hạn chế trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó kiểm soát về an toàn thực phẩm; Sản xuất chưa gắn với vùng nguyên liệu nên không đủ sức cạnh tranh với thị trường nông nghiệp ở các nước khác trong khu vực; Giá cả sản phẩm không ổn định, thường bị ép giá. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa thể hiện được vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người nông dân, chưa quản lý được các tư thương đến địa bàn thu mua sản phẩm của nông dân.

Nhiều đại biểu trăn trở với những khó khăn khi phát triển kinh tế vườn

Trước nhiều khó khăn đặt ra, Diễn đàn đã dành nhiều thời gian để đại biểu và chuyên gia cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan tới vấn đề chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế vườn; kỹ thuật phòng trị bệnh một số cây trồng; cách thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm kinh tế vườn nói riêng; những đề xuất và kiến nghị nhằm tăng cường liên kết phát triển kinh tế vườn bền vững,…

Tổng kết Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc TTKNQG đã đưa ra một số giải pháp phát triển kinh tế vườn hiệu quả và bền vững trong thời kỳ hiện nay. Đó là:

- Tổ chức lại hình thức sản xuất của nông dân theo hướng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp... để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đây là tiền đề để sản xuất hàng hóa theo chuỗi, nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

- Đề xuất, thực thi các chính sách cho phát triển nông nghiệp và đặc thù cho phát triển kinh tế vườn như tín dụng, cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại…

- Đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng giống mới, giống sạch bệnh; kỹ thuật tưới nước tiết kiệm; bón phân chuyên dụng; phòng trừ dịch bệnh theo dự tính, dự báo; áp dụng kỹ thuật cắt tỉa cành, bao quả, bảo quản chế biến sau thu hoạch; sản xuất theo hướng VietGAP.

- Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, xây dựng các mô hình khuyến nông để giúp người nông dân nhận thức và nâng cao năng lực sản xuất.

TS. Trần Văn Khởi kết luận Diễn đàn

Phát triển kinh tế vườn theo hướng liên kết là hướng đi đúng đắn và cấp thiết trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Muốn phát triển kinh tế vườn hiệu quả và bền vững thì sự liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp là hết sức cần thiết./.

Quảng Bình

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia