Với mục đích tìm ra giải pháp phát triển cây trồng vụ Đông bền vững, liên kết có quy mô trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo nhu cầu nội tiêu tiến tới xuất khẩu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập người dân trong vùng từ vụ cây trồng này, trong 2 ngày 04 - 05/12/2019, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam đồng chủ trì Diễn đàn Khuyến nông @Nông nghiệp chủ đề: “Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sản phẩm cây vụ Đông vùng Đồng bằng sông Hồng” tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Diễn đàn thu hút gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành trung ương và tỉnh Hà Nam, từ Trung tâm Khuyến nông 5 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình và Hà Nam cùng bà con nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh hạt giống, sản phẩm cây trồng vụ Đông. Nhiều cơ quan báo đài trung ương và địa phương đến đưa tin về Diễn đàn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã đến tham quan các mô hình trồng cải bắp theo GlobalGAP tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng và mô hình trồng hoa công nghệ cao tại xã Phù Vân, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Đây là những mô hình điển hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông theo hướng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

Các đại biểu thăm mô hình trồng cải bắp theo GlobalGAP tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng

Nhận định vụ Đông là vụ đặc thù chỉ có tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung, cũng là vụ mang lại giá trị cao và ít tranh chấp với cây trồng khác, mặc dù chỉ có 3 tháng mùa đông nhưng đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực đôn đốc thực hiện và có chính sách hỗ trợ sản xuất vụ Đông; Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như: sử dụng các giống cây trồng mới; kỹ thuật trồng khoai tây, đậu tương, ngô bằng phương pháp làm đất tối thiểu; kỹ thuật rẽ lúa đặt bầu trồng bí, dưa; dưa chuột trồng bò lan không làm giàn; che phủ nylon trong trồng bí, dưa, lạc để giữ ẩm cho đất, cây mọc đều, hạn chế cỏ dại; kỹ thuật tưới nước tiết kiệm; sử dụng khung che nylon để sản xuất cây giống rau các loại. Tại Diễn đàn các đại biểu đã trao đổi, thảo luận đến nhiều vấn đề trong việc sản xuất cây trồng vụ Đông trong vùng như: dồn điền đổi thửa; cách làm phân bón hữu cơ; thông tin thị trường, giá cả thu mua sản phẩm; cơ chế chính sách phát triển cây vụ Đông…

Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất

Tuy nhiên, sản xuất vụ Đông cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Những năm gần đây, diện tích sản xuất cây vụ Đông liên tục sụt giảm do điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, giá đầu vào sản xuất tăng làm hiệu quả sản xuất không cao. Diện tích sản xuất cây vụ Đông chưa được quy hoạch tốt. Nguồn lao động thiếu hụt trong các thời điểm sản xuất quan trọng. Các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi, gắn với chế biến, tiêu thụ bước đầu được hình thành nhưng chưa nhiều. Thiếu chính sách cụ thể hỗ trợ sản xuất cây vụ Đông…

Bà Phạm Mỹ Linh - Giám đốc thu mua Công ty VinEco (thuộc Tập đoàn VinGroup) cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các công ty thu mua là kế hoạch sản xuất của hộ nông dân, sản phẩm không ổn định về số lượng và chất lượng, người sản xuất không thực hiện triệt để, đồng bộ các khâu trong sản xuất, tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, thậm chí trong nông sản còn tồn dư những chất không ghi ngoài bao bì thuốc. Sản phẩm cây trồng của bà con muốn vào được chuỗi siêu thị phải đạt 4Đ (Đạt về Tiêu chuẩn; Đúng về sản phẩm; Đủ các điều kiện hợp đồng và sản phẩm cần phải Đẹp).

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng bà con nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng rất ham học, cần cù chịu khó; các câu hỏi của bà con tại Diễn đàn rất hay, sát với yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Từ đó, các chuyên gia trả lời cụ thể, kỹ lưỡng, dễ nghe, dễ hiểu và dễ thực hiện. Ông cũng chia sẻ rằng, bà con nông dân cần có tư duy chuyển sang liên kết chuỗi, phải nắm bắt nhu cầu thị trường, sản phẩm sản xuất ra phải an toàn và mang tính nhân văn, đó là an sinh xã hội, an toàn về mặt môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhân đây ông cũng khuyên bà con thực hiện tốt 5 bài học sau để sản xuất nông nghiệp thành công, đó là: (1) Tham quan trước, làm sau; (2) Chuẩn bị đủ vật chất cũng như tinh thần; (3) Làm từ bé đến lớn; (4) Thực hiện tốt việc ghi chép; (5) Cần chủ động, sáng tạo.

Các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của vụ Đông bền lề Diễn đàn

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của sản xuất vụ Đông, cần thực hiện nhiều giải pháp như:

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung chỉ đạo sản xuất, đổi mới phương thức chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền các chủ trương chính sách, TBKT và cập nhật diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh đến người sản xuất nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Trên cơ sở chính sách chung, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế để chủ động xây dựng cơ chế  chính sách hỗ trợ nông dân, hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm; khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng vùng sản xuất. Tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ Đông.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, hỗ trợ nông dân mượn đất, thuê đất để sản xuất, hình thành những vùng sản xuất vụ Đông tập trung, tạo điều kiện đầu tư áp dụng máy móc, cơ giới hóa, công nghệ, TBKT nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp hợp tác đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ những vùng có diện tích cây vụ đông lớn, tập trung và ổn định, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế./.

 Phạm Thanh Thủy

Ảnh: N.T.Thu Hằng