Diễn đàn có sự tham dự của các đại biểu đến từ Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, Cục Trồng trọt, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương cùng các sở, ban, ngành và đại diện các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Đặc biệt là sự tham dự của bà con nông dân đến từ các địa phương Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc. Đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin tại Diễn đàn.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương cùng các đại biểu tham quan cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy tại Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, mức độ cơ giới hóa một số khâu trong nông nghiệp đạt tỷ lệ cao và tăng nhanh. Đối với lĩnh vực trồng trọt, khâu làm đất lúa đạt 95%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật lúa và các cây trồng khác đạt khoảng 70%; khâu thu hoạch lúa đạt 70%. Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn. Điển hình như hình thành nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân sản xuất trên cánh đồng lớn kết hợp các dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản...

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Lãnh đạo Sở NN và PTNT Hải Dương cùng các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm máy móc phục vụ cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa bên lề Diễn đàn

 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: “Có thể khẳng định, cơ giới hóa trong nông nghiệp đã giúp tăng 30 - 40% hiệu quả sản xuất; giúp giảm chi phí, vật tư đầu vào như phân bón, giống, nước và công chăm sóc. Cơ giới hóa là động lực tạo ra quá trình liên kết sản xuất, thúc đẩy dồn điền đổi thửa, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp và mang sản phẩm nông sản tới thị trường một cách bền vững. Những năm gần đây, quá trình thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ ở các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch phát triển khá nhanh; tuy nhiên khâu gieo cấy mới chỉ đạt 30%. Vì vậy, Diễn đàn lần này tìm cơ hội để đánh giá những vấn đề còn tồn tại trong khâu gieo cấy để tìm ra giải pháp giúp tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa”.

Tại Diễn đàn, đại biểu và bà con nông dân đã được nghe 4 báo cáo tham luận của các đơn vị: Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương, Phòng Nông nghiệp huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương và Công ty TNHH Kubota Việt Nam.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, những năm gầy đây, trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Tính chung cả nước, số máy động lực, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp có mức tăng nhanh. Năm 2019 so với năm 2011 số lượng máy kéo tăng 48%, máy gặt đập liện hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29%. Nhiều khâu sản xuất lúa được cơ giới hóa, một số khâu đạt mức độ cao. Bình quân cả nước khâu làm đất bằng máy tăng từ 75% năm 2008 lên 95% năm 2019, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng đạt gần 100%, thấp nhất là trung du miền núi phía Bắc đạt 68%. Khâu gieo mạ, cấy lúa mặc dù mới được ứng dụng nhưng đã có tốc độ tăng trưởng khá; năm 2008 mới đạt khoảng 5% thì đến năm 2019 tỷ lệ này đã đạt khoảng 30%; vùng đồng bằng sông Hồng đạt 25%, vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 65%. Khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật năm 2008 đạt 55%, đến năm 2018 đạt 75%; đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long lần lượt đạt 82% và 85%. Khâu thu hoạch có tốc độ tăng khá nhanh, từ 15% năm 2008 lên 70% năm 2019; trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt tới 95%. Khâu thu gom rơm rạ tại các tỉnh phía Nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, đạt 90%.

Trình diễn máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương

 

Tại tỉnh Hải Dương, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng từ lâu, trong đó cơ giới hóa khâu làm đất áp dụng khá sớm. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 8.440 máy làm đất, trên 1.400 công cụ gieo hạt cà rốt, khoảng 300 công cụ gieo sạ hàng lúa, trên 800 công cụ cấy kéo giật tay hoặc chạy bằng mô tơ điện, khoảng 85 máy cấy loại Kubota, Yanma…; 1.113 máy gặt đập liên hợp; 3.964 máy phục vụ vận chuyển… Mức độ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 98%; tưới tiêu nước chủ động đạt 98%; khâu thu hoạch đạt 90%; khâu gieo hạt các loại và cấy lúa đạt khoảng 15% diện tích, trong đó cấy lúa bằng máy khoảng 4,8%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh trao đổi cùng các đại biểu tại buổi trình diễn máy cấy lúa trên đồng ruộng xã Tân Hồng

 

Phần thảo luận của các đại biểu diễn ra sôi nổi với phần hỏi đáp trực tiếp. Các câu hỏi của bà con nông dân đều được Ban Chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn giải đáp thỏa đáng.

Kết luận tại Diễn đàn, GS.TS Lê Quốc Thanh ghi nhận các ý kiến đóng góp và kiến nghị của đại biểu và bà con nông dân. Quá trình thúc đẩy để phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng, đặc biệt là khâu gieo cấy là trách nhiệm của cả trung ương và địa phương để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Thời gian tới, mặc dù còn nhiều khó khăn đối với quá trình phát triển cơ giới hóa trong sản xuất lúa nhưng trước mắt cần tổ chức hoạt động của các Hợp tác xã dịch vụ sao cho vận hành hiệu quả. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với các cục chuyên ngành, các đơn vị và mong muốn các doanh nghiệp, các tổ chức sẽ đồng hành cùng Trung tâm trong quá trình hợp tác công tư (PPP) để thúc đẩy thành công quá trình cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

PGS.TS Lê Quốc Thanh - GĐ TTKNQG kết luận tại Diễn đàn

 

Trong khuôn khổ Diễn đàn, chiều ngày 9/7/2020, các đại biểu đã tham quan cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy tại Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch và tham dự buổi trình diễn máy cấy lúa trên đồng ruộng, trình diễn máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Trình diễn cấy lúa bằng máy tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương
Video minh họa

 

Đỗ Tuấn - Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia