Xây dựng và phát triển các mối liên kết giữa sản xuất an toàn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc là một chủ trương đúng đắn nhằm tăng cường sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu về số lượng lớn, chất lượng đảm bảo của thị trường trong nước và xuất khẩu, qua đó giúp người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống sản xuất. Việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Việc phát triển liên kết này trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu cấp thiết của ngành nông nghiệp hiện nay. Mô hình này giúp tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí về sản xuất, vận chuyển, thời gian sản xuất sản phẩm…

Theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, tiêu thụ sản phẩm thông qua liên kết ở nước ta hiện nay vẫn ở mức thấp. Lĩnh vực trồng trọt: Đối với cây lúa, chỉ đạt khoảng 18%, cây rau là 9%, cây ăn quả là 19%, cây mía với 49%, cao nhất là cây chè với 69%. Trong lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành nhiều chuỗi liên kết dưới các hình thức chăn nuôi gia công, HTX chăn nuôi, doanh nghiệp và nông dân cùng làm như: chuỗi sản xuất thịt lợn, gia cầm; chuỗi sản xuất trứng, sữa bò… Lĩnh vực thủy sản: Liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp đạt khoảng 35%.

Còn theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản: Phần lớn nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, sơ chế nên kim ngạch còn thấp. Nhiều hàng hóa nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác và khá nhiều hàng nông sản được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do đó, người tiêu dùng nước ngoài vẫn còn chưa có khái niệm rõ ràng và đầy đủ về hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Đây là một sự yếu kém, thua thiệt lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đối với thương nhân nước ngoài, nông sản Việt Nam còn bị coi là nguồn cung giá rẻ, số lượng lớn chứ không phải nguồn cung chất lượng, ổn định và bền vững nên khó có được giá cao.

Nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, sơ chế nên kim ngạch còn thấp

 

Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ sôi nổi, thẳng thắn các vấn đề liên quan đến sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 40 câu hỏi tập trung vào: thị trường tiêu thụ và an toàn thực phẩm, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và cấp giấy chứng nhận, sử dụng chế phẩm vi sinh, cấp giấy chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ chế chính sách.

Ông Bùi Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hải Phòng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất nông sản an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, Hải Phòng đã tập trung cao cho liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn, gắn với tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc, có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. "Tuy nhiên, do thị trường nông sản thường xuyên biến động mạnh, hành lang pháp lý đảm bảo cho các chuỗi liên kết bền vững còn thiếu và yếu, diện tích sản xuất thì manh mún, tính kết nối "4 nhà" trong đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ đến tiêu thụ chưa hiệu quả, liên kết vùng còn hạn chế nên các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thực sự rất e ngại và số lượng còn khiêm tốn".

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu cho rằng “Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc là giải pháp mang tính căn bản để đảm bảo phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu đảm bảo đủ lương thực cho người dân và xa hơn là đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới”.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã đi tham quan mô hình sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy.

Một số hình ảnh về Diễn đàn:

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu kết luận Diễn đàn

 

Nông dân tham dự Diễn đàn trao đổi với Ban cố vấn

 

 

 

 Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy.

 

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua điện thoại thông minh

Hà Oanh