Các đại biểu tham quan mô hình trồng cây gai xanh

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hoà Bình, tháng 5/2020 bệnh khảm lá sắn xuất hiện lần đầu tại tỉnh Hòa Bình, được phát hiện trên giống KM419 trên địa bàn xã Tân Mỹ (huyện Lạc Sơn) từ nguồn giống sắn nguyên liệu do Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng (Tân Mỹ) cung cấp. Tổng diện tích nhiễm bệnh năm 2020 là 24,5 ha với tỷ lệ phổ biến 5-10%, cục bộ trên 30% số cây bị bệnh, tuy nhiên mật độ bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh thấp. Toàn bộ diện tích nhiễm bệnh đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, chỉ đạo các hộ dân thực hiện tiêu hủy cây bị bệnh, khuyến cáo không sử dụng hom giống tại các vườn bị bệnh trồng cho vụ sau.

Mặc dù các biện pháp xử lý, tiêu hủy nguồn bệnh (nhổ bỏ cây bị bệnh, tiêu hủy tàn dư sau thu hoạch, phun thuốc trừ bọ phấn là côn trùng môi giới) tại các vườn trồng giống sắn bị nhiễm bệnh thực hiện khá bài bản, đúng quy trình; song ở diện tích xung quanh ruộng đã nhiễm bệnh thực hiện chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng tái sử dụng giống cho diện tích trồng niên vụ 2021, không xử lý tàn dư là gốc, thân sắn mà chất đống trong ruộng hay bờ rào.

Mặt khác do giá sắn năm 2020 tăng nên niên vụ 2021 người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng sắn, do đó bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát sinh và lây lan trên các ổ bệnh cũ tại vùng trồng sắn của huyện Lạc Sơn và Yên Thủy với diện tích 154,59 ha, tăng hơn so với năm 2020 là 130,09 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 32,5ha. Diện tích sắn tại xã Cun Pheo, huyện Mai Châu được xử lý nhổ bỏ, tiêu hủy tốt, không phát sinh diện tích nhiễm trên các ổ bệnh cũ.

Diễn đàn có 120 đại biểu tham gia, trong đó 90 nông dân là những người trực tiếp trồng sắn và có diện tích sắn đang bị bệnh khảm lá. Tại diễn đàn, Ban cố vấn đã trả lời giải đáp cụ thể, rõ ràng hơn 20 câu hỏi xoay quanh các vấn đề: giải pháp quản lý bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh khảm lá sắn, cơ chế hỗ trợ cho người dân khi chuyển sang cây trồng khác trên diện tích sắn bị bệnh khảm lá, những cây trồng đề xuất để chuyển đổi...

Tham gia diễn đàn, các đại biểu còn được đi tham quan mô hình trồng cây gai xanh, một trong những cây trồng nằm trong cơ cấu chuyển đổi tại xóm Thung Rếch, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình.

Gai xanh được xác định là một trong những loại cây có thể chuyển đổi trên diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh tại Hòa Bình

 

Kết luận Diễn đàn, ông Vương Đắc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hoà Bình nhấn mạnh: “Nhằm giúp nâng cao thu nhập, đảm bảo kinh tế cho người dân, đồng thời đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy tinh bột sắn của tỉnh Hòa Bình, phục vụ sản phẩm xuất khẩu, yêu cầu: đối với các cơ quan chuyên môn của sở Nông nghiệp & PTNT (Cụ thể là Chi cục Trồng trọt và BVTV) tiếp tục thực hiện các khâu đánh giá, kiểm tra các vùng trồng sắn để quản lý tốt đối tượng này; hướng dẫn người trồng sắn thực hiện các giải pháp khoanh vùng, tiêu hủy cây bị bệnh ngay khi mới trồng; khuyến cáo không sử dụng hom giống tại các vườn bị bệnh trồng cho vụ sau; tăng cường công tác thông tin, tập huấn hướng dẫn cho người dân về quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn… Về giải pháp lâu dài yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương và bà con nông dân cần quan tâm tới giải pháp chuyển đổi diện tích canh tác sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sang lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và có giá trị kinh tế cao như trồng ngô sinh khối, trồng cây gai xanh AP1. Kiên quyết chỉ đạo, giám sát các hộ dân nếu tiếp tục trồng sắn trên diện tích bị nhiễm bệnh thì xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn, HTX, doanh nghiệp cần trang bị, hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô sinh khối, trồng cây gai xanh cho bà con nông dân. Cam kết cung cấp giống, phân bón đảm bảo chất lượng; liên kết tiêu thụ cây ngô sinh khối và cây gai xanh… giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế./.

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình