Tham dự Diễn đàn có các đại biểu thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường, cán bộ khuyến nông và nông dân một số tỉnh phía Bắc: Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nghệ An...; các cơ quan báo đài trung ương - địa phương.

 

TS. Phan Huy Thông - GĐ TTKNQG chủ trì Diễn đàn

 

Diễn đàn nhằm giúp bà con nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật, cơ chế chính sách nhà nước, thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, tạo ra một mối liên kết thực sự. Từ diễn đàn này bà con có thể trao đổi kinh nghiệm tốt đã làm, học tập những vấn đề còn thiếu để từ đó phát triển cây có múi nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung ngày càng hiệu quả, bền vững, đồng thời cũng thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Sản xuất cây có múi là một trong những cây mũi nhọn trong sản xuất cây ăn quả của nước ta hiện nay, cả nước có khoảng 830 nghìn ha cây ăn trái, sản lượng đạt hơn 7 triệu tấn. Những năm gần đây, mặc dù diện tích cây có múi tăng trưởng khá nhanh, nhưng ở miền Bắc lại tập trung vào một số vùng trọng điểm như cam quýt Xã Đoài (Nghệ An), cam Sành (Hà Giang), cam Canh (Hà Nội), cam Cao Phong (Hòa Bình), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), quýt Bắc Kạn... đang được phát triển và biết đến như loại đặc sản.

 

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: "Tiềm năng phát triển cây có múi ở miền Bắc là khá lớn, thị trường còn tiềm năng, diện tích để chuyển đổi và trồng cây có múi còn nhiều, bộ giống khá hoàn thiện và phù hợp với từng địa phương. Tuy nhiên còn khá nhiều thách thức như vốn đầu tư lớn, chu kỳ kinh tế của cây có múi ngắn, nhiều sâu bệnh, đặc biệt là bệnh vàng lá, chảy gôm; năng suất bình quân thấp (khoảng 10 tấn/ha), khâu chọn mua giống còn nhiều rủi ro... Vậy muốn chiếm lĩnh thị trường phải nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành".

 

Ban chủ tọa, Ban cố vấn tại Diễn đàn

 

Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi, tổng kết Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông đưa ra một số giải pháp sau:

 

- Mở rộng diện tích trồng cây có múi phải phù hợp với quy hoạch, không tái canh ở những vùng đất đã bị bệnh.

 

- Giống là vấn đề cốt lõi, mang tính bền vững của vườn cây ăn quả. Chỉ phát triển một số giống ở vùng đặc thù, nguyên gốc bên cạnh đó cần xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, còn một số nhóm cây có múi ở diện rộng như cam Xã Đoài, bưởi Diễn, cam V2... có thể phát triển rộng hơn. Để đảm bảo hiệu quả, nên cân nhắc tỷ lệ chín sớm khoảng 20-25%, chính vụ 50-55%, chín muộn (dài ngày) 20-25%. Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần công bố danh sách cơ sở bán giống đã được kiểm tra và công nhận của Sở Nông nghiệp và PTNT, ràng buộc trách nhiệm giữa người bán giống và người mua giống.
- Đất trồng cây ăn quả chủ yếu là đất đồi nên cần quan tâm đến kỹ thuật làm đất, tưới nước và phải có kỹ năng bón phân.

 

- Vấn đề phòng trừ sâu bệnh quyết định đến sự thành công của trồng cây có múi nên phải dùng thuốc chuyên dụng, đúng kỹ thuật và đúng liều lượng.

 

- Cần chú trọng hơn nữa đến khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm. Liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm với các đầu mối, doanh nghiệp và sàn giao dịch để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

 

- Phát huy vai trò của nhà nước cũng như trách nhiệm của cộng đồng là phải xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho từng vùng, từng cây ăn quả. Tuy nhiên việc duy trì, quản lý, phát triển và giữ được thương hiệu mới quan trọng.

 

Các đại biểu tham dự Diễn đàn tham quan mô hình trồng cam tại huyện Cao Phong, Hòa Bình

 

Hướng Dương - TTKNQG