Tham dự Diễn đàn có trên 200 đại biểu đến từ các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Trung tâm Khuyến nông và nông dân của 5 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc: Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang và Hòa Bình và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. TS. Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ông Vương Đắc Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình chủ trì Diễn đàn.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Cây có múi đã trở thành thế mạnh của các tỉnh miền núi phía Bắc, một số vùng sản xuất cây có múi đã được quy hoạch và đầu tư thâm canh cao, năng suất chất lượng và hiệu quả ngày càng tăng cao và trở thành cây chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Tuy nhiên, sản xuất cây có múi ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đã ảnh hướng tới sản lượng và giá trị của sản phẩm, gây nhiều rủi ro, bệnh hại trên cây có múi. Nguy hiểm nhất là bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện tại khắp các vùng trồng, trong khi đó việc quản lý dịch bệnh rất khó khăn và phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng vườn cây. Về chất lượng, còn bất cập về chủng loại và cơ cấu giống nhiều hạt, quả nhỏ, mẫu mã chưa đẹp. Về quản lý dịch bệnh, về quy hoạch và phân vùng sản xuất chủ yếu theo hộ với diện tích manh mún, khó hình thành được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, năng suất chất lượng thấp, liên kết giữa các địa phương còn yếu, mới chỉ ở quy mô hộ gia đình (ví dụ, Hòa Bình hiện chỉ 20% sản lượng cam (xấp xỉ 24 tấn) có hợp đồng tiêu thụ)… Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn mác, đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản xuất trái cây theo GAP bước đầu được quan tâm nhưng chưa có hiệu quả trong khai thác, mở rộng thị trường.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ và trao đổi nhiều thông tin về hiện trạng và giải pháp phát triển cây ăn quả có múi tại các tỉnh vùng Tây Bắc và Trung du miền núi phía Bắc; Một số tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh cây có múi; Quản lý sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi trong vùng trồng thâm canh; Kinh nghiệm phát triển vùng sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm địa phương tiêu biểu.

Các chuyên gia cố vấn đã giải đáp gần 30 câu hỏi của các đại biểu xoay quanh các vấn đề về: Cách phòng trị bệnh cho cam, bưởi: bệnh nấm đen, bệnh  ruồi vàng đục trái, bệnh xoăn lá... Đặc biệt, TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc - Viện Bảo vệ thực vật đã giới thiệu sản phẩm mới là Kit Iodine giúp chẩn đoán bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá do các yếu tố dinh dưỡng và môi trường; cách bao quả nhằm tạo mẫu mã sản phẩm đẹp hơn... TS. Cao Văn Chí - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi đã hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây cam trước và sau thu hoạch, cách bảo quản quả sau thu hoạch đảm bảo chất lượng.

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc - Viện Bảo vệ thực vật giải đáp câu hỏi của đại biểu 

Các chính sách hỗ trợ sản xuất theo VietGAP và đầu ra cho sản phẩm cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Chuyên gia khuyến cáo người sản xuất áp dụng và thực hiện theo quy trình thực hành tốt VietGAP để nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời các hộ trồng cam cần liên kết trong việc áp dụng đồng bộ các tiêu chí VietGAP nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Kết luận Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi đã đưa ra một số giải pháp, đó là:

- Các địa phương phải rà soát quy hoạch, tạo điều kiện lập địa từng vùng phù hợp, tránh phát triển thâm canh quá nhiều dẫn tới tình trạng “được mùa, mất giá”, gây rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm.

- Thúc đẩy hình thành các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới gắn với vùng sản xuất hàng hóa lớn, làm cơ sở cho liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời xây dựng và vận hành chuỗi liên kết cho các vùng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao năng lực cho người nông dân.

- Áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật như: tưới nước tiết kiệm, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp, bón phân chuyên dụng, thụ phấn bổ sung, kỹ thuật bao quả để hạn chế việc dùng thuốc bảo vệ thực vật…

- Thực thi và vận dụng tốt chính sách của Nhà nước trong việc liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại thị trường, chứng nhận chất lượng, nhãn mác hàng hóa theo VietGAP; GlobalGAP, đặc biệt là các chính sách về tín dụng.

Đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tiếp tục tư vấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất cây có múi, chính sách của Nhà nước về thủ tục để hình thành và vận hành hợp tác xã, tổ hợp tác, thủ tục chứng nhận chất lượng sản phẩm... Với các hộ nông dân, cần tìm hiểu thấu đáo kỹ thuật thâm canh, cây giống, kết hợp tham quan học hỏi các mô hình điển hình, các hợp tác xã kiểu mới trước khi đầu tư trồng thâm canh.

Các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng trong phát triển cây ăn quả có múi. Thực tế đã chứng minh, nếu có hệ thống giải pháp đồng bộ từ chính sách hỗ trợ đến tiến bộ kỹ thuật và sự vào cuộc của doanh nghiệp, các hợp tác xã trong khâu tiêu thụ sản phẩm, sản xuất cây có múi theo hướng hàng hóa chắc chắn sẽ thành công./.

TS. Trần Văn Khởi kết luận Diễn đàn

Quảng Bình

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia