Toàn cảnh Diễn đàn tại điểm cầu Hòa Bình

 

Theo ông Nguyễn Văn Trọng – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường. Đây là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển chăn nuôi được các cấp, ngành chuyên môn và người dân áp dụng, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến cuối tháng 9 đầu tháng 10/2021 tổng đàn lợn cả nước trên 28 triệu con; tổng đàn gia cầm khoảng 523 triệu con; đàn bò gần 6,3 triệu con, trong đó đàn bò sữa trên 331 nghìn con; đàn trâu khoảng 2,34 triệu con; trên 2,65 triệu con dê và khoảng 115 nghìn con cừu.

Với tổng đàn vật nuôi trên, ước tính hàng năm ngành chăn nuôi Việt Nam tạo ra khoảng hơn 60,6 triệu tấn chất thải rắn động vật. Đây là một lợi thế lớn cho việc phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc TTKNQG cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn đã và đang là xu hướng của các quốc gia trên thế giới. Trong thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn không chỉ tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn mang lại 4 lợi ích cụ thể giúp phát triển bền vững, đó là: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế và lợi ích xã hội.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

 

Tại Việt Nam, thuật ngữ “nông nghiệp tuần hoàn” còn khá mới mẻ, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến nay chưa đầy đủ và đúng nghĩa, song một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã và đang xuất hiện, tạo cơ hội cho kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phát triển, như là: mô hình Vườn - Ao - Chuồng - Biogas, mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả, mô hình sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô - gia súc, gia cầm - cá, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Ferlitizer), mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại bò sữa…

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn, điển hình là những hướng dẫn về vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung của nông nghiệp tuần hoàn cũng như các quy định, tiêu chí để nhận diện và đánh giá mô hình nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ ràng, thậm chí chưa có. Điều này dẫn tới nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân về nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, sử dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ nên chưa tạo được động lực áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Năng lực tái chế, tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp còn rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ xử lý, chất thải phế phụ phẩm trong nông nghiệp còn thiếu. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nên việc thu gom, phân loại cũng như đầu tư cho công nghệ tái chế chưa được quan tâm…

Tham gia thảo luận tại diễn đàn, các hộ chăn nuôi, công ty đã trao đổi, chia sẻ về thực trạng, khó khăn, vướng mắc khi phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã giải đáp những vướng mắc của người dân, tham gia đóng góp ý kiến để làm rõ cơ sở khoa học và cung cấp thông tin có tính đa chiều, thực tiễn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi; đồng thời, đề xuất các giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Diễn đàn diễn ra với 6 điểm cầu, gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội và 2 điểm cầu tại Hòa Bình

 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vương Đắc Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua, ngành chăn nuôi của tỉnh Hòa Bình đã có sự chuyển biến tích cực, từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, gia trại; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động hiệu quả. Song, ngành chăn nuôi của tỉnh còn chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; sản xuất theo chuỗi quy mô còn nhỏ, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không ổn định… Để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh Hòa Bình đang hướng tới phát triển chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và kiểm soát môi trường trong chăn nuôi.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình chia sẻ, nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn bao gồm: thiết kế tái sử dụng, khả năng linh động nhờ sự đa dạng, sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận, tư duy hệ thống và nền tảng sinh học. Trong nền kinh tế tuần hoàn, rác thải sẽ không tồn tại nếu các thành phần sinh học và hóa học trong sản phẩm được thiết kế sao cho có thể đưa chúng vào tái sử dụng trong một chu trình mới.

Theo ông Thắng, để triển khai được mô hình kinh tế tuần hoàn trong trong nông nghiệp cần xây dựng một số mô hình thí điểm, với sự tham gia của kinh tế tập thể (hợp tác xã) gắn với kinh tế tư nhân (doanh nghiệp trong hợp tác xã). Từ đó, phát triển hệ sinh thái cho vùng sản xuất nông nghiệp. Trong hệ sinh thái này, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, rường cột, làm trung tâm vùng lõi, dẫn dắt thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện dịch vụ kỹ thuật, hậu cần, chế biến...

Song song đó, cần mở rộng liên kết vùng sản xuất theo khu vực, ngành hàng để kết nối phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong liên kết này, phế phụ phẩm của đơn vị này được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho đơn vị kia. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nông dân nhận thức, hiểu biết các mô hình nông nghiệp tuần hoàn để sẵn sàng tham gia và cùng phát huy hiệu quả. Chủ động tham vấn các ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp để nghiên cứu, thiết kế và đề xuất ban hành các chính sách khuyến khích thúc đẩy mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong chỉ đạo phát triển kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã.

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Tin về Diễn đàn trên Kênh Truyền hình Nhân dân