Tham dự tọa đàm có lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo UBND huyện Mai Châu cùng 70 nông dân tiêu biểu trong chăn nuôi của huyện Mai Châu. Toạ đàm đã kết nối trực tuyến với điểm cầu Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Toàn cảnh tọa đàm

 

Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có tổng đàn trâu là 115.700 con, đàn bò 85.890 con, lợn 431.410 con, gia cẩm 7.831.000 con… Về chăn nuôi tập trung công nghiệp, toàn tỉnh có 3 trang trại chăn nuôi bò của Công ty T&T 159 quy mô 500 - 7.000 con bò thịt và bò cái sinh sản, sản lượng thịt hơi khoảng 7.018 tấn/năm; 2 trang trại chăn nuôi bò vỗ béo BBB tại Lạc Thuỷ quy mô 100 - 200 con, sản lượng thịt hơi 420 tấn/năm. Toàn tỉnh có 71 trang trại chăn nuôi gia cầm, 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt, 14 trang trại chăn nuôi dê.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện phát triển chăn nuôi đúng quy hoạch, phù hợp với phát triển KT-XH và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá tập trung, nâng cao năng suất chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp trên đàn vật nuôi như: dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, bệnh cúm gia cầm A/H 5N8.

Tại toạ đàm, đại biểu được đi tham quan mô hình và nghe các báo cáo, chuyên đề về công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong vụ đông năm nay và định hướng trong thời gian tới. Đặc biệt, ban cố vấn đã trả lời trực tiếp hơn 20 câu hỏi tập trung vào những vấn đề: các cơ chế chính sách trong chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh; công tác chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi; các loại dịch bệnh phổ biến trên đàn gia súc, gia cầm; ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi...

Các đại biểu tham quan mô hình tại xã Mai Hịch, huyện Mai Châu

 

Phát biểu tại tọa đàm, ông Vương Đắc Hùng - PGĐ Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hòa Bình đề nghị, để công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp nói chung, huyện Mai Châu nói riêng cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các hộ chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng sản phẩm sạch, đảm bảo ATTP; hỗ trợ phát triển các sản phẩm chăn nuôi mang tính đặc hữu của địa phương; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong mùa đông. Qua đó, góp phần chuẩn bị nguồn thực phẩm dồi dào với chất lượng tốt để phục vụ Tết Nguyên đán năm 2022 trong bối cảnh dịch Covid-19, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham luận tại toạ đàm

 

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình