Ông Trần Công Khôi – Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: “Các tỉnh miền Bắc có truyền thống nuôi cá nước ngọt từ những năm 50 – 60 của thế kỷ 20 với nhiều mô hình nuôi đạt kết quả tốt. Tiềm năng về diện tích rất lớn với khoảng 300 nghìn héc-ta có thể nuôi được cá nước ngọt. Bà con nông dân cần cù chịu khó, có khả năng tiếp cận khoa học công nghệ mới nhanh. Đây là những yếu tố quan trọng để nghề nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh”.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành thủy sản ở các tỉnh phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, môi trường ô nhiễm, dễ phát sinh dịch bệnh; Nguồn giống bị thoái hóa, việc quản lý chất lượng giống ở các địa phương khó kiểm soát...

Bà con nông dân nuôi cá miền Bắc có khả năng tiếp cận khoa học công nghệ mới nhanh

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong nuôi và phòng trị bệnh cho cá nước ngọt; nhiều vướng mắc khó khăn về kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh, tiêu thụ sản phẩm đã được các nhà khoa học và nhà quản lý giải đáp thỏa đáng. Nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong nuôi thủy sản nước ngọt đã được chia sẻ tại Diễn đàn như: kinh nghiệm nuôi cá sông trong ao tại Hải Dương; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở Bắc Ninh, Thái Bình; ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi cá rô phi thâm canh tại Bắc Giang.

Chuyên gia thủy sản Nguyễn Thị Hà khuyến cáo: “Người nuôi cá phải xác định lấy việc phòng bệnh là chính, chỉ chữa bệnh khi cần thiết. Môi trường sống của cá ở trong nước nên việc quản lý môi trường nước trong ao nuôi cũng như trong lồng bè là biện pháp hết sức quan trọng quyết định sự sinh trưởng, phát triển của cá nuôi”.

Bà Hà nhấn mạnh: Để nuôi cá thành công, hạn chế dịch bệnh xảy ra, người nuôi phải thực hiện đúng quy trình nuôi mà các cơ quan quản lý cũng như các cơ quan chuyên môn đưa ra: lựa chọn vị trí nuôi phù hợp, thuận tiện giao thông, thuận tiện nguồn nước để chủ động xử lý khi có biến cố về môi trường nước. Thiết kế ao nuôi và cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình “tát cạn – vét bùn – phơi khô – khử trùng”. Phương pháp gây màu nước dùng chế phẩm sinh học nhằm hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi. Chỉ lấy vôi khử trùng với liều lượng 7-10 kg vôi cho 100 m2 đáy ao, sau đó phơi khô từ 5 – 7 ngày thì lấy nước vào gây màu. Gây màu bằng phương pháp ủ men như sau: sử dụng 3 kg cám gạo + 3 kg đỗ tương + 1 lít EM, trộn đều ủ từ 24 - 48h, rồi đưa xuống ao để gây màu. Khi đã thả cá, sử dụng EM định kỳ 7 ngày bón 1 lần. Trong cả quy trình nuôi, cứ 15 ngày bón vôi 1 lần để khử trung môi trường nước và tiêu diệt mầm bệnh. Ngoài ra, bà con nên sử dụng men tỏi để làm thức ăn cho cá rất hiệu quả vì tỏi vừa có tác dụng phòng cho cá vừa có tác dụng kích thích cá ăn nhiều hơn, cá lớn nhanh, chất lượng thịt cá thơm ngon. Công thức ủ men tỏi như sau: 10kg tỏi bóc vỏ, nghiền nhỏ + 1 kg đường hoặc 3 kg mật gỉ đường + 1 lít dấm + 16 lít nước lọc, ủ trong thùng nhựa, sau 25- 30 ngày thì lấy ra cho cá ăn. Lượng ăn 1 lít men tỏi cho 1 tấn cá ăn trong 1 ngày, ăn liên tục 10 ngày liền, mỗi tháng ăn 1 đợt kéo dài cả quy trình nuôi. 

Chuyên gia thủy sản Nguyễn Thị Hà thực hành giải phẫu cá bệnh tại Diễn đàn

Theo PGS.TS Kim Văn Vạn – Trưởng khoa thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để nuôi cá thành công, nhà nông cần nắm vững nguyên tắc “3 xem”, “4 định”, bao gồm: Xem điều kiện thời tiết khi cho ăn để điều chỉnh lượng thức ăn, tránh dư thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi; Xem biến động các yếu tố môi trường ao nuôi như hàm lượng oxy hòa tan, pH, NH3… để điều chỉnh với từng đối tượng cá trước khi cho ăn; Xem tình trạng sức khỏe và tốc độ tăng trưởng của cá để có biện pháp quản lý và cho ăn phù hợp, giúp cá tăng trưởng phát triển tốt; Định chất lượng: thức ăn cho cá phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển; Định số lượng: lượng thức ăn hàng ngày đảm bảo cá đủ no, không thừa và không thiếu; Định thời gian: cho ăn theo những giờ nhất định, phù hợp với đặc tính bắt mồi của từng đối tượng cá nuôi; Định địa điểm: cho ăn một điểm cố định nhằm tạo thói quen bắt mồi cho cá.

Toàn cảnh Diễn đàn

Kết luận Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các địa phương xây dựng quy hoạch vùng nuôi cá, lựa chọn một số vùng nuôi trọng điểm để tập trung đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống/vùng nuôi tập trung, từ đó tạo ra các vùng sản xuất thủy sản hàng hóa. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào đến nuôi, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm cá. Tăng cường quản lý thuốc kháng sinh, phòng trừ dịch bệnh để nâng cao hiệu quả cho người nuôi cá nước ngọt.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã đi thăm mô hình ương cá giống và nuôi cá thương phẩm “sông trong ao” của HTX thủy sản Hưng Phát; mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của HTX thủy sản sạch Hưng Hải.

Các đại biểu thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của HTX thủy sản sạch Hưng Hải

Ánh Nguyệt

Ảnh: Đỗ Tuấn