Tham dự diễn đàn có trên 230 đại biểu, trong đó có khoảng 160 nông dân đến từ 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và Kiên Giang.

Toàn cảnh diễn đàn

Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận của đại diện các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, chuyên gia nông nghiệp về thực trạng, định hướng và giải pháp cơ giới hóa trong sản xuất lúa, những điểm thắt cần tháo gỡ,... và chia sẻ của nông dân/Hợp tác xã về kinh nghiệm cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

Những năm gần đây, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa được nhiều địa phương chú trọng đầu tư, góp phần đáng kể giúp nông dân giảm công lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp trên cả nước nói chung vẫn còn hạn chế. Hiện tại, vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức độ cơ giới hóa cao nhất cả nước nhưng chưa toàn diện và đồng bộ, mới tập trung cơ giới hóa trong một số khâu như làm đất, chăm sóc, thu hoạch. Mức độ trang bị động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp quy mô hộ và đất manh mún, mới đạt bình quân 2,4 mã lực (HP)/ha canh tác, trong khi các nước như Thái Lan đạt 4 HP/ha, Trung Quốc 8 HP/ha, Hàn Quốc 10 HP/ha. Chất lượng lao động nông thôn thấp, nhiều lao động vận hành, sử dụng máy nông nghiệp không qua đào tạo. Cơ chế chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ nhưng tính thực thi còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đặc biệt về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế. Quy hoạch kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp chưa đảm bảo cho nhu cầu phát triển cơ giới hoá, hiện đại hoá.

Bên cạnh đó, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long không đồng đều giữa các khâu, như: khâu làm đất đạt gần 100%; khâu thu hoạch đạt 95%; khâu gieo sạ, cấy lúa đạt 65%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật đạt 85%; khâu thu gom và cuộn rơm rạ đạt 90%. Do mức độ cơ giới hóa ở các khâu chưa đồng đều, tổn thất sau thu hoạch còn cao, chuỗi giá trị lúa gạo còn nhiều điểm chưa hợp lý và thiếu tính ổn định, đời sống của nông dân trồng lúa chưa được cải thiện.

Tại Diễn đàn, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT đã đề xuất các giải pháp về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung như sau: Triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và thị trường; Khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tổ chức lại sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu đối với cơ giới hóa nông nghiệp; Đẩy mạnh công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp; Tăng cường chuyển giao áp dụng tiến bộ, khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp; Rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách.

TS. Lê Văn Bảnh - Chủ tịch Hội Cơ khí Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đưa ra một số kiến nghị: Về mặt kỹ thuật, để đảm bảo cho việc cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa được thuận lợi, cần giải quyết các vấn đề quy hoạch và cải tạo lại đồng ruộng. Diện tích lô thửa cần đủ rộng để máy xoay trở thuận lợi lúc vận hành; giao thông nông thôn thuỷ, bộ cần thuận lợi cho máy móc đi lại; quản lý nước trên đồng ruộng, chủ động rút khô ruộng trước lúc cày phơi ải và thu hoạch; cần có cày ải hàng năm để tạo tầng đế cày, tránh bị lầy lún, cải tạo đất, cải thiện tầng canh tác; cần san ủi để có mặt ruộng tương đối bằng phẳng để dễ quản lý cỏ dại và tiết kiệm nước; phát triển dịch vụ cấy máy; cần có quy trình canh tác tốt, bảo vệ thực vật, bón phân, chăm sóc để tránh lúa bị đổ ngã lúc thu hoạch; chọn thời điểm thu hoạch và máy thu hoạch thích hợp: gặt rải hàng, gặt đập liên hợp; xử lý tốt sau thu hoạch, chế biến, bảo quản lúa gạo, tận dụng phụ phẩm trong sản xuất… Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư công tác nghiên cứu và đào tạo về cơ khí nông nghiệp, huấn luyện cán bộ kỹ thuật, công nhân ngành cơ khí, dạy sử dụng, bảo trì và lái máy nông nghiệp như máy kéo, máy gặt đập liên hợp; Nhà nước cần có chủ trương chỉ đạo ngành công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp. Xây dựng các cơ sở chế biến hoặc sơ chế, dịch vụ cơ khí nông thôn.

Ông Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đã đề xuất: Cần có kiến nghị để tăng cường chuyển giao áp dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ về cơ giới hóa; đề nghị Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đề xuất đề tài, dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở Kiên Giang.

Tại Diễn đàn, có khoảng 20 câu hỏi tập trung về các vấn đề: các giải pháp về cơ giới hóa, hiệu quả của áp dụng máy cấy, máy bay không người lái; chính sách về cơ giới hóa trong sản xuất lúa; kỹ thuật và hiệu quả của sạ khóm; giải pháp truyền thông trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm lúa gạo; hỗ trợ của Nhà nước về mô hình trình diễn cơ giới hóa... được chia sẻ và giải đáp.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn diễn đàn

Trong khuôn khổ chương trình diễn đàn, các đại biểu đã được đi tham quan mô hình “Xây dựng cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam” tại xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, Chủ tịch xã Thạnh Đông A đã trao đổi và chia sẻ về hiệu quả của mô hình này. Được biết, những năm gần đây, nông dân địa phương đã áp dụng bình phun hạt để gieo sạ. Toàn xã có khoảng 250 bình phun hạt, 02 máy sạ hàng cải tiến, 10 công cụ để sạ hàng. Trong vụ Thu Đông 2019, xã đã bắt đầu triển khai mô hình máy sạ hàng theo khóm tại ấp Kênh 8B, với diện tích ban đầu là 2 ha. Đặc biệt nhất phải kể đến là mô hình cấy lúa bằng máy bắt đầu triển khai từ 6 ha và tăng lên 15 ha (vụ Thu Đông 2018) và hiện đã tăng lên hàng trăm ha (năm 2019). Toàn xã có 02 đội cấy, có 06 máy cấy, mỗi vụ bà con nông dân cấy từ 100-150 ha. Thu nhập bình quân đầu người từ 16,9 triệu đồng năm 2010, nâng lên 42 triệu đồng/người/năm vào năm 2018, tăng 21,1 triệu đồng; giá trị thu nhập bình quân trên 01 ha đất nông nghiệp đạt trên 90 triệu đồng/ha/năm. Hiệu quả từ mô hình cơ giới hóa khâu cấy so với mô hình lúa canh tác truyền thống bình quân tăng gần 5 triệu đồng/ha/năm.

 

Các đại biểu tham quan mô hình trong khuôn khổ diễn đàn

Bài: Nguyễn Nhung

Ảnh: Đỗ Tuấn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia