Diễn đàn được diễn ra bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của 05 điểm cầu gồm: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (tại Hà Nội), Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn (tại TP Lạng Sơn) và 03 huyện Tràng Định, Bình Gia và Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: "Diễn đàn Khuyến nông @ Khuyến nông với chủ đề “Giải pháp phát triển bền vững vùng nguyên liệu thạch đen phục vụ xuất khẩu” được tổ chức tại Lạng Sơn là sự quan tâm rất thiết thực giúp địa phương đánh giá một cách đầy đủ, khách quan tình hình, thực trạng sản xuất cây thạch đen hiện nay, qua đó đề ra được biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xây dựng được giải pháp phát triển bền vững vùng nguyên liệu thạch đen, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tại Nghị định thư ký kết ngày 08/12/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc".

Ban chủ tọa, Ban cố vấn tại điểm cầu Hà Nội

 

Thạch đen được trồng nhiều tại một số tỉnh như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lâm Đồng (Bảo Lộc), Đồng Tháp (Sa Đéc), An Giang (Châu Đốc), Vĩnh Long (Bình Minh)… Tại tỉnh Lạng Sơn, cây thạch đen được trồng chủ yếu trên 2 loại đất là đất ruộng và đất nương rẫy có độ dốc dưới 20 độ, tập trung ở các huyện Tràng Định, Bình Gia và Văn Lãng. Việc thạch đen được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp nông dân các tỉnh nói trên, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn,… yên tâm phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập hàng năm từ loại cây này.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc giảm đến gần 26%, thạch đen xuất khẩu chính ngạch được coi là bước tiến mới nhằm cải thiện tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong thời gian tới. Chúng ta đã có thị trường cho sản phẩm thạch đen, vấn đề quan trọng nhất là phải phát triển được thị trường và giữ vững được thị trường.

Để xuất khẩu thạch đen sang thị trường Trung Quốc, ngoài các khâu liên quan tới sản xuất, việc áp dụng kỹ thuật sản xuất theo đúng các quy định và yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm của Trung Quốc là việc bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Một trong những quy định bắt buộc nữa đó là, trong quá trình sản xuất, các địa phương, cơ quan chuyên môn, người trồng, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm tra, đánh giá, thực hiện việc cấp mã số vùng trồng phục vụ quản lý và truy xuất nguồn gốc, kịp thời xử lý, khắc phục nguyên nhân.

Theo ông Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lạng Sơn, năm 2021, vùng trồng cây thạch đen trong tỉnh được mở rộng lên 3.131,4 ha (bằng 104,38% kế hoạch), tăng 37% so với năm 2020, sản lượng đạt 16.000 tấn. Để đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng thạch đen phục vụ xuất khẩu theo Nghị định thư, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở NN&PTNT đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân và cơ sở chế biến tại các vùng sản xuất cây thạch đen hiểu rõ các yêu cầu của Nghị định thư, áp dụng Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thạch đen do Sở NN&PTNT ban hành, thực hiện Tiêu chuẩn cơ sở hướng dẫn cho việc thiết lập và giám sát vùng trồng; Tiêu chuẩn cơ sở hướng dẫn cho việc thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói đã được Cục Bảo vệ Thực vật ban hành.

Toàn cảnh Diễn đàn tại điểm cầu Lạng Sơn

 

Bên cạnh đó, tại các vùng trồng cây thạch đen đã đẩy mạnh việc thành lập các tổ, nhóm hợp tác liên kết thành vùng tập trung và cấp mã số vùng trồng. Đến nay, toàn tỉnh có 128/133 mã vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số với tổng diện tích 608,533 hecta; có 04 cơ sở đóng gói thạch đen được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá và phê duyệt cấp mã số đóng gói, đáp ứng yêu cầu Nghị định thư, góp phần mở rộng, đẩy nhanh hoạt động xuất khẩu thạch đen sang thị trường Trung Quốc.

Như vậy, có thể thấy diện tích trồng cây thạch đen được cấp mã số vùng trồng mới chỉ chiếm dưới 20% tổng số diện tích trồng cây thạch đen của tỉnh Lạng Sơn. Những diện tích trồng cây thạch đen chưa được cấp mã số vùng trồng là do diện tích sản xuất manh mún, phân tán. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về việc cấp mã số vùng trồng còn hạn chế, chưa có thói quen áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, mã số truy xuất nguồn gốc, ghi chép nhật ký sản xuất.

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự diễn đàn, việc sản xuất và thu hoạch sản phẩm thạch đen hiện còn nặng tính chất thủ công, chưa ứng dụng thiết bị máy móc để giảm công lao động; tại tỉnh Lạng Sơn chưa có cơ sở sản xuất giống cây thạch đen, nông dân tự nhân giống dẫn đến thời vụ thu hoạch không tập trung, chất lượng chưa đồng đều... Bên cạnh đó, chế biến sâu vẫn chưa được quan tâm đầu tư để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị, sản phẩm chủ yếu là sơ chế, đóng gói thô.

Ban cố vấn trả lời câu hỏi tại Diễn đàn

 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lý Việt Hưng cho biết: Với tiềm năng, thế mạnh và giá trị của cây thạch đen mang lại, UBND tỉnh đã chỉ đạo định hướng các huyện có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi mở rộng diện tích vùng trồng thạch đen, mục tiêu đến năm 2025 diện tích đạt 10.000 hecta, sản lượng đạt 60.000 tấn. Khả năng có thể mở rộng diện tích lên 30.000 hecta, sản lượng 180.000 tấn để đáp ứng vùng nguyên liệu cho chế biến hàng hóa và xuất khẩu. Để nâng cao chất lượng nguyên liệu thạch đen phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, tỉnh Lạng Sơn rất cần sự quan tâm của Bộ NN&PTNT đầu tư nền tảng khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất, công nghệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời đề xuất Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trước mắt hỗ trợ triển khai các đề tài nghiên cứu về quy trình canh tác cây thạch đen nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia