Đây là vùng có nhiều cây ăn quả có múi nổi tiếng như bưởi Phúc Trạch, cam Bù (Hà Tĩnh), cam Xã Đoài (Nghệ An), bưởi Thanh Trà (Thừa Thiên Huế),... Đồng thời cũng là nơi có nhiều lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và phát triển cây ăn quả có múi (điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, giống đặc sản bản địa lâu đời...).

Với mục đích tìm ra giải pháp phát triển cây có múi bền vững, đảm bảo nhu cầu nội tiêu tiến tới xuất khẩu, chú trọng các giống đặc sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập người dân trong vùng, trong 2 ngày 14 - 15/11/2019, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp phát triển sản xuất cây có múi hiệu quả vùng Bắc Trung Bộ” tại Nghệ An.

Diễn đàn thu hút 209 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu của trung ương, các ban ngành thuộc tỉnh Nghệ An, bà con nông dân, cán bộ kỹ thuật cơ sở từ 5 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Nhiều cơ quan báo đài Trung ương và địa phương đã đến đưa tin về Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã tham quan một số mô hình thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành và xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đề cập đến những khó khăn trong việc sản xuất cây ăn quả có múi như: Các vùng sản xuất hàng hóa hình thành chưa rõ nét, thực trạng sản xuất phân tán, hiện mỗi hộ chỉ có trung bình khoảng 0,2 - 0,6 ha; Nguồn cây giống không đảm bảo quy chuẩn; Nhiều diện tích đã và đang đến thời kỳ thoái hóa; Tình trạng tự phát canh tác cây ăn quả có múi theo phong trào; Sâu bệnh hại và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp... Những khó khăn này làm ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, trong khi giá thành sản xuất ngày càng cao nên việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm không được thuận lợi, dẫn đến thu nhập từ cây trồng này còn nhiều bấp bênh.

Nhiều thắc mắc của đại biểu tham dự về chính sách phát triển cây có múi, quản lý sâu bệnh hại, sản xuất cây giống sạch bệnh, quy trình thâm canh, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia giải đáp thỏa đáng.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây cam cho bà con nông dân 

Ông Hoàng Văn Hồng - Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, việc phát triển sản xuất cây ăn quả có múi tại vùng Bắc Trung Bộ là điều tất yếu vì cây trồng này mang lại nhiều lợi ích cho người trồng. Các cấp chính quyền cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây có múi. Tuy nhiên việc phát triển cây có múi phải bền vững, phù hợp với diện tích quy hoạch của từng tỉnh, từng vùng đặc sản. Khuyến nông địa phương cần hỗ trợ nông dân trong sử dụng cây giống, chuyển giao quy trình kỹ thuật thâm canh, mở rộng các mô hình trồng cây theo VietGAP, xây dựng và phát triển thương hiệu, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất.

Các đại biểu tham quan mô hình thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi

Theo ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đánh giá: Hiện nay cây có múi tại vùng Bắc Trung Bộ đang phát triển nóng, cơ cấu sản xuất vụ chưa đồng đều, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật chưa đồng bộ, nhất là tại các vùng trồng cam nên nhiều diện tích bị suy thoái, hiệu quả chưa cao. Vì thế, các địa phương cần phát triển các vùng cây có múi gắn với thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu; phát triển những giống tốt, giống đặc sản bản địa; xây dựng mô hình chuỗi liên kết nông dân, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là nông dân sản xuất được sản phẩm chất lượng, an toàn để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người trồng cây ăn quả có múi nói chung, cây cam nói riêng cần tham gia hợp tác xã hay nhóm hợp tác kiểu mới để cùng nhau sản xuất, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu làm được điều đó, người tiêu dùng trong nước mới yên tâm sử dụng và dần tiến tới xuất khẩu, làm tăng giá trị cho cây ăn quả có múi và đưa cây trồng này trở thành nông sản chủ lực của vùng./.

Đại biểu thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam bên lề Diễn đàn

Phạm Thanh Thủy

Ảnh: Đỗ Tuấn