Tham dự Diễn đàn có 250 đại biểu là đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Sở Nông nghiệp & PTNT Hải Phòng cùng các đơn vị trực thuộc; trung tâm khuyến nông và 170 nông dân đến từ 7 tỉnh/thành phố vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng). Tham dự và đưa tin có nhiều cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn tại Diễn đàn

Tại Việt Nam, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được hình thành năm 1957 và trải qua nhiều hình thái kinh tế nông thôn khác nhau. HTX đã thay đổi hình thức sản xuất cá thể, nông hộ thành sản xuất tập thể, cùng với doanh nghiệp nhà nước tạo ra sản phẩm xã hội đột phá. Từ năm 1990, hình thức tổ chức trong HTX trở nên lạc hậu, lỗi thời, đã có những thời điểm phong trào HTX thoái trào, các HTX cũ tê liệt, tan rã hoặc tự chuyển đổi để thích nghi với môi trường mới. Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể vẫn là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cả nước có 21 liên hiệp và 10.726 HTX nông nghiệp, bình quân một tỉnh có 170 HTX. Đến tháng 6 năm 2017 có tổng số 10.836 HTX nông nghiệp, tăng 110 HTX so với tháng 12/2016, trong đó thành lập mới 189 HTX, giải thể 79 HTX. Về cơ bản các HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Nhiều HTX hoạt động gắn với sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết theo chuỗi, trong đó có nhiều mô hình HTX liên kết với các siêu thị lớn để mở rộng tiêu thụ sản phẩm.

TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Phát triển hợp tác xã kiểu mới là điều tất yếu do HTX là đầu mối để tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị thu mua sản phẩm đảm bảo số lượng, quy cách sản phẩm và an toàn thực phẩm; Xác lập quan hệ sản xuất mới, giải quyết vấn đề lao động việc làm cho lao động nông thôn, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa làm giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất; Hạn chế rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, làm tăng lợi ích của mỗi thành viên HTX; Đặc biệt các HTX có vai trò quan trọng để hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Giới thiệu một số sản phẩm có truy suất nguồn gốc tại Diễn đàn

Thảo luận tại Diễn đàn, các đại biểu chia sẻ những vấn đề bất cập trong hoạt động của các HTX. Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thủ tục thành lập và hoạt động của HTX còn nhiều bất cập khi triển khai. Chính sách của nhà nước và sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn hạn chế. Qua thời gian dài tồn tại, nhiều HTX hoạt động không hiệu quả, mang tính hình thức, thậm chí cản trở sản xuất, làm mất lòng tin làm cho thành viên nghi ngại khi tham gia HTX kiểu mới. Năng lực quản trị của lãnh đạo HTX mới thành lập còn hạn chế cả về am hiểu pháp luật, tổ chức quản lý sản xuất, quản lý kinh tế... Các HTX thiếu nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Việc liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo. Sản xuất nông nghiệp tại các địa phương manh mún, hạn chế về hệ thống sản xuất, đất đai, vị trí địa lý.

Từ thực tế đó, Diễn đàn thống nhất một số giải pháp phát triển HTX nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu ngành như sau:

- Phát triển HTX cần gắn kết với phát triển làng nghề, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng, gắn quyền lợi của mỗi thành viên trong HTX.

- Tiếp tục củng cố, đào tạo, nâng cao năng lực hoạt động của các thành viên HTX. Thường xuyên đổi mới phương thức bồi dưỡng theo hướng đào tạo cán bộ, nông dân cho HTX từ thực tiễn, chú trọng phổ biến kinh nghiệm các mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn sản xuất cho HTX. Triển khai quyết liệt việc cho vay vốn theo các Nghị định của Chính phủ để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp kiểu mới tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

- Đánh giá hiệu quả hoạt động của các HTX kiểu mới. Đẩy mạnh hỗ trợ vận hành và tăng tính tự chủ của HTX thông qua các diễn đàn thuộc lĩnh vực nông nghiệp tạo cơ hội hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chia sẻ giao lưu các hợp tác xã tiêu biểu theo các lĩnh vực chuyên ngành.

Trung tâm khuyến nông các tỉnh tiếp tục giới thiệu các mô hình HTX hiệu quả để khuyến cáo, nhân rộng.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá vược của HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng

Thu Hằng - Nguyễn Sâm

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia