Diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ trung ương và địa phương, nông dân của 7 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Giang và Lạng Sơn.

LSNG gắn liền với cuộc sống của gần 24 triệu đồng bào miền núi và gần rừng. Nguồn thu từ LSNG chiếm 10-20% thu nhập kinh tế của một hộ gia đình. Việc gây trồng, khai thác, chế biến LSNG thu hút hàng vạn lao động trong khu vực. Từ đó, góp phần phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống sử dụng nguyên liệu LSNG, cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến lâm sản và xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc khai thác và phát triển LSNG còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Tiến sỹ Trần Văn Khởi - Phó Giám đốc TTKNQG nhấn mạnh: Diễn đàn lần này là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân cùng trao đổi tìm giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất, tìm kiếm thị trường, liên kết thông tin giữa các bên, chung tay đẩy mạnh công cuộc bảo tồn, khai thác và phát triển LSNG hiệu quả nhất.
TS TRần Văn Khởi – PGĐ Trung tâm KNQG phát biểu khai mạc Diễn đàn

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN), Việt Nam hiện nay có gần 4.000 loài cây có giá trị cung cấp nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe con người, 216 loài tre trúc và 30 loài song mây có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, lâm sản ngoài gỗ đang được đánh giá có thể hái ra tiền. Theo đánh giá của PGS.TS.Nguyễn Văn Tập – nguyên cán bộ Viện Dược liệu, ẩn chứa trong các cánh rừng của Việt Nam là một kho thuốc lớn. Đơn cử như theo điều tra, trên địa bàn Sơn La ghi nhận được 535 loài cây thuốc mọc tự nhiên, 20 loài có tiềm năng khai thác, 25 loài thuộc diện bảo tồn. Tỉnh Lạng Sơn có 788 loài cây thuốc, 10 loài có tiềm năng khai thác lớn và 35 loài thuộc diện bảo tồn. Chỉ riêng khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò (Hòa Bình) có 360 loài thuốc mọc tự nhiên, 20 loài thuộc diện bảo tồn… Ước tính hiện có khoảng 50 loài cây thuốc đang được khai thác ở mức độ khác nhau, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Khai thác LSNG diễn ra thường xuyên, tràn lan, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nhiều cây thuốc quý. Việc quy hoạch để có chiến lược dài hơi về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên LSNG phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa còn nhiều bất cập.

Ban chủ tọa, ban cố vấn điều hành và trả lời các câu hỏi tại diễn đàn

Sau khi nghe các báo cáo về hiện trạng LSNG tại các  tỉnh phía Bắc, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của HTX điển hình, các đại biểu đã thảo luận và đặt câu hỏi với Ban cố vấn diễn đàn. Một số vấn đề được nông dân quan tâm tại Diễn đàn là: Đối tượng cây con thuộc về LSNG; Kỹ thuật trồng và thu hái; Kỹ thuật sơ chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; Các chính sách của Nhà nước để phát triển LSNG…

Có một thực tế là, dù tiềm năng đã được khẳng định nhưng cho đến nay vẫn chưa có một chính sách riêng biệt nào dành cho LSNG. Ông Nguyễn Nam Sơn, Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển LSNG như đã hỗ trợ trồng rừng sản xuất; quan tâm đầu tư các nguồn lực tương xứng với tiềm năng LSNG để góp phần phát triển, gia tăng giá trị hàng hóa, xuất khẩu LSNG trong thời gian tới.

Hơn nữa, người dân trên địa bàn các tỉnh tham gia trồng và phát triển cây LSNG chủ yếu băn khoăn về thị trường tiêu thụ do phụ thuộc nhiều vào thương lái nên đầu ra không ổn định. Nếu có sự tham gia của doanh nghiệp đăng ký bao tiêu sản phẩm thì bà con có thêt yên tâm mở rộng sản xuất. Vì vậy, tại Diễn đàn lần này, ngoài sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có mời thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh LSNG.

Các đại biểu thăm gian hàng giới thiệu LSNG được gây trồng hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Tại Diễn đàn, các ý kiến thống nhất cao về đánh giá vai trò to lớn của LSNG và đề xuất một số giải pháp cho hoạt động khuyến nông thời gian tới:

- Cập nhật các TBKT về bảo tồn, gây trồng và phát triển cây LSNG, đặc biệt với một số cây thế mạnh ở các vùng miền để phổ biến, khuyến cáo nông dân áp dụng.

- Tiếp tục đề xuất triển khai các mô hình khuyến nông về cây LSNG theo hướng xây dựng thành các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tạo thương hiệu sản phẩm, gắn với sơ chế bảo quản để gia tăng giá trị hàng hóa.

- Ưu tiên các lớp tập huấn khuyến lâm đối với LSNG cho các vùng sản xuất truyền thống, vùng tiềm năng phát triển để nâng cao kỹ năng sản xuất, chế biến, quảng bá sản phẩm của địa phương.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về vai trò, tác dụng của LSNG, giới thiệu những điển hình tiên tiến trong sản xuất, phổ biến kỹ thuật sản xuất, khuyến khích các mặt hàng LSNG tham gia các hội chợ hàng năm của vùng…

- Hệ thống khuyến nông địa phương sẽ tập trung chuyển giao các TBKT về giống mới, biện pháp canh tác mới của cây LSNG có giá trị tại địa phương để người dân biết và ứng dụng. Đề xuất nguồn lực địa phương để xây dựng mô hình, mở các lớp tập huấn kỹ thuật về LSNG. Tư vấn kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp thu mua chế biến LSNG để tạo thành chuỗi giá trị có gắn kết và chia sẻ lợi nhuận, góp phần tạo thành vùng hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, đặc sản của địa phương. Kiến nghị, đề xuất các chính sách của địa phương cho vấn đề bảo tồn và phát triển cây LSNG tại địa phương.

Mộc Lan