TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Ông Trần Văn Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai đồng chủ trì Diễn đàn. Tham gia cố vấn Diễn đàn có các chuyên gia đến từ Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và KN, Trung tâm KNQG, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai và một số Trung tâm, Chi cục thuộc tỉnh. Hơn 300 đại biểu, trong đó 250 nông dân các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc quan tâm và tham gia trao đổi qua 25 câu hỏi tại Diễn đàn.

TS Phan Huy Thông phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông khẳng định trong những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng gạo chất lượng cao tăng mạnh không chỉ ở đô thị mà ở cả vùng nông thôn. Xét về năng suất và sản lượng lúa gạo, vùng trung du miền núi phía Bắc không thể cạnh tranh với đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng xét về chất lượng, vùng Trung du miền núi phía Bắc hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển lúa chất lượng mà không một nơi nào ở Việt Nam có được. Do đặc điểm cấu tạo địa chất nên cánh đồng trong vùng có độ phì tự nhiên cao, có thời gian chiếu sáng ban ngày dài, chênh lệch biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn, đó là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng gạo đặc trưng như cánh đồng Mường Thanh (tỉnh Điện Biên), Mường Lò (tỉnh Yên Bái), Mường Than (tỉnh Lai Châu), Mường Tấc (tỉnh Sơn La). Đặc biệt vùng có hệ thống gen di truyền các giống địa phương cổ truyền như Tẻ nương Mộc Châu, nếp Cẩm, nếp Tú Lệ, lúa Séng Cù, Khẩu Nậm Xít... Các giống lúa đưa từ cùng khác đến cũng có chất lượng gạo ngon hơn hẳn như giống lúa Japonica (ĐS1, J02…), Bắc thơm 7, IR64, Hương thơm 1…

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, hiện nay, tỷ lệ diện tích gieo cấy bằng giống lúa chất lượng đạt khoảng 30%, trong đó vụ Mùa có tỷ lệ lúa chất lượng cao hơn (đạt khoảng 34%), vụ Đông Xuân tỷ lệ lúa chất lượng đạt khảng 24%; Một số tỉnh có tỷ lệ diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao như Điện Biên (65%), Cao Bằng (trên 50%).

Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết  sản xuất các ngành hàng đặc sản trong đó có lúa gạo chất lượng cao là hướng đi đúng đắn mà vùng MNPB nên tập trung phát triển. Việc phát triển giống lúa chất lượng cao đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên do tập quán canh tác truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, trình độ thâm canh thấp, thiếu thông tin về khoa học kỹ thuật và thị trường nên hiệu quả sản xuất lúa chất lượng chưa cao, người dân sản xuất vẫn vì lợi nhuận trước mắt mà phát triển thiếu bền vững. Tập trung sản xuất, liên kết nông dân để tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn là vấn đề được Diễn đàn tập trung thảo luận.

Nông dân tham dự Diễn đàn đặt câu hỏi tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã nêu lên những giải pháp để phát triển lúa chất lượng tại các tỉnh vùng miền núi phía Bắc, trong đó tập trung các giải pháp:

Thứ nhất, quy hoạch sản xuất cụ thể, phù hợp cho từng vùng: vùng núi cao với ruộng bậc thang; vùng thung lũng với cánh đồng lòng chảo; vùng trung du đồng bằng cần tập trung sản xuất đồng bộ “liền vùng, cùng trà, cùng giống”.

Thứ hai, địa phương cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Nâng cao giá trị lúa gạo hàng hóa bằng việc tổ chức sản xuất, liên kết, thu mua trong đó chú trọng việc thu hút doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ;

Thứ ba, hệ thống khuyến nông đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất thâm canh hợp lý, sản xuất theo ngành hàng, chuỗi giá trị.

Thứ tư, liên kết doanh nghiệp với nông dân, tạo mối liên hệ chặt chẽ đôi bên cùng có lợi.

Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình cho rằng, cần có Hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất đại diện cho các hộ sản xuất thành vùng tập trung. Doanh nghiệp sẵn sàng cùng hợp tác sản xuất kinh doanh, quan trọng là cả doanh nghiệp và nông dân phải cùng nhau giữ chữ tín để việc hợp tác được lâu dài, bền vững.

Kết luận Diễn đàn, TS Phan Huy Thông khẳng định: “Chỉ có con đường liên kết theo chuỗi, doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ thì những sản phẩm lúa chất lượng của vùng miền núi phía Bắc mới có cơ hội đi xa hơn nữa”.

Ban chủ tọa, ban cố vấn Diễn đàn

Sâm Nguyễn