Toàn cảnh Diễn đàn

Để tạo điều kiện cho các hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã và các doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ mới, thông tin cơ chế chính sách, thị trường, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ rau, hoa sản hoa ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao, Trung Tâm KNQG phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Phát triển rau, hoa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” vào ngày 06/05/2016 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Chủ trì Diễn đàn có TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, TS. Phạm Đồng Quảng - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và MT (Bộ Nông nghiệp&PTNT), TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Lê Văn Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng. Nhiều chuyên gia cố vấn đến từ cục, vụ, viện, trường, trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các sở Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp, với trên 300 đại biểu là cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông 12 tỉnh/thành phố (Bình Dương, Phú Yên, Tiền Giang, Trà Vinh, Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp, Khánh Hoà, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Đồng), đại diện các doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ rau, hoa tại Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam tham dự Diễn đàn.

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao khi Việt Nam tham gia TPP

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp nước ta đã có những chuyển biến đáng kể về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong sản xuất rau, hoa đã tạo ra những tiến bộ đáng khích lệ về năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên nhiều địa phương việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều lúng túng, bất cập, thiếu tính ứng dụng và thực tiễn dẫn đến tình trạng kém hiệu quả, lãng phí và phát triển không bền vững. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do hiểu biết một cách chưa đầy đủ về nông nghiệp công nghệ cao, khả năng xác định những yếu tố công nghệ cao phù hợp với một nền nông nghiệp nhiệt đới, sản xuất còn mạng nặng tính tự phát, nhỏ lẻ và hạn chế về năng lực đầu tư tài chính. Khi Việt Nam tham gia TPP, cơ hội phát triển nhanh trong nông nghiệp là rất lớn và khá toàn diện. TPP được coi là đòn bẩy kinh tế để tìm tòi, áp dụng những giải pháp phát triển đột phá. Nông nghiệp cần nắm bắt nhanh, thích ứng kịp thời để biến cơ hội TPP thành hiệu quả thiết thực. Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp tiên quyết để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trồng hoa ứng dụng công nghệ cao

Từ chính sách đến thực tiễn

Diễn đàn đã thông tin đến người sản xuất về những điều cơ bản của Luật Công nghệ cao, các văn bản chính sách liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao như: Quyết định 1895/QĐ- TTg; Quyết định số 575/QĐ- TTg ngày 04/5/2015 về phê duyệt tổng thể quy hoạch các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và các quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của các Khu NN ƯD CNC của một số tỉnh, thành phố trực thuộc TW; Quyết định số 66/2015/QĐ - TTg ngày 25/12/2015 quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng NN ƯDCNC.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2015 diện tích rau ở nước ta đạt 887,8 nghìn ha (tăng khoảng 6,1 nghìn ha so với năm 2014), năng suất đạt 177,3 tạ/ha (tăng 1,9 tạ/ha với năm 2014), sản lượng đạt 15,737 triệu tấn (tăng 225 nghìn tấn so với năm 2014). Trong khi đó, theo số liệu thống kê 2014, tổng diện tích sản xuất hoa, cây cảnh cả nước là 34.978 ha, diện tích này được phân bổ khá đều ở cả hai miền Nam và Bắc. Thu nhập trung bình trồng hoa, cây cảnh là 285 triệu đồng/ha/năm (năm 2014), so với giá trị thu nhập/ha canh tác toàn ngành trồng trọt là 82 - 83 triệu đồng/ha, mức thu nhập này gấp gần 3,5 lần.

Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 29 khu nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình ƯD Nông nghiệp CNC trong sản xuất rau, hoa đã tạo ra năng suất cây trồng và năng suất lao động cao gấp 3 - 5 lần , giá trị thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha (gấp 2 - 8 lần so với canh tác truyền thống); đồng thời tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao và đồng nhất, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm; đã hình thành nhiều mô hình liên kết hợp tác giữa các hộ sản xuất, chủ trang trại, các HTX sản xuất với các doanh nghiệp chế biến, phân phối sản phẩm theo chuỗi khép kín, gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, góp phần tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có 33 cơ sở sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng diện tích là 201,89 ha; sản lượng 7.162 tấn/năm; 82 cơ sở sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích là 678,624 ha; sản lượng 630.732,2 tấn/năm; 05 cơ sở sản xuất quả các loại được cấp giấy chứng nhận sản xuất quả các loại an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích là 42,93 ha; sản lượng 1.263 tấn/năm; 05 cơ sở sản xuất rau an toàn theo hướng GlobalGAP; Organik với tổng diện tích là 22 ha; sản lượng: 543 tấn/năm.

TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đánh giá cao những địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Sơn La, Cần Thơ, Bình Dương. Đồng thời cũng đưa ra khó khăn, thách thức khi ứng dụng CNC trong sản xuất rau, hoa như: việc sản xuất một số sản phẩm rau, hoa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ lẻ; thị trường tiêu thụ một số sản phẩm không ổn định, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới còn thấp; hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm chưa cao, chưa tương xứng với mức độ đầu tư; chưa có nhiều công nghệ cao trong nông nghiệp và mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn tại Việt Nam. Mặt khác, đầu tư cho nông nghiệp CNC đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Chưa có nhiều doanh nghiệp đăng ký công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chưa có hệ thống dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức KHCN, doanh nghiệp và người sản xuất; giữa các cơ quan quản lý nhà nước của TƯ và địa phương trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Diễn đàn đã thống nhất một số định hướng cơ bản trong phát triển nông nghiệp CNC, theo đó: (i) Gắn định hướng phát triển hoa cây cảnh với chương trình phát triển công nghệ cao trong trồng trọt; (ii) Tiếp tục đầu tư nguồn lực cho khoa học công nghệ, nghiên cứu chọn tạo, nâng cao năng lực sản xuất hạt giống, cây giống bằng các phương pháp truyền thống và công nghệ mới, xây dựng các mô hình, chuyển giao cho nông dân và doanh nghiệp; (iii) Hoàn thiện thể chế chính sách về đất đai, đầu tư, hỗ trợ đầu tư; (iv) Liên kết sản xuất theo chuỗi và hình thành thị trường nội tiêu và xuất khẩu rau, hoa…

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng

Bích Dương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia