Xuất phát từ thực tiễn đó, ngày 15/7/2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông và hồ chứa các tỉnh miền núi phía Bắc”. Đây là diễn đàn thứ 11/20 diễn đàn khuyến nông được Bộ phê duyệt năm 2014 triển khai thực hiện theo quy mô vùng, gắn với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển thủy sản bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Với chủ đề này, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình tổ chức diễn đàn thu hút trên 300 đại biểu với trên 40 câu hỏi của đại biểu và nông dân quan tâm chia sẻ.

 

Xác định Diễn đàn “Phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông và hồ chứa các tỉnh miền núi phía Bắc” là chủ đề đang thu hút sự quan tâm của nông ngư dân trong vùng nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng, do đó tại diễn đàn lần này Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã mời các chuyên gia đầu ngành đến từ Tổng cục Thủy sản, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Phú Thọ để giao lưu, đối thoại trực tiếp với nông ngư dân. Trong khuôn khổ diễn đàn có 42 câu hỏi của đại biểu và nông ngư dân được các chuyên gia giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông, hồ như: chính sách hỗ trợ, quy hoạch, kỹ thuật nuôi, con giống, đối tượng nuôi, thị trường, môi trường, đặc biệt vấn đề bệnh cá và cách phòng trị bệnh cá … Đồng thời thông qua diễn đàn giới thiệu tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, những kinh nghiệm hay và các giải pháp trong việc triển khai nhân rộng mô hình phát triển nuôi cá lồng trong các tỉnh miền núi phía Bắc, tư vấn địa chỉ giao dịch mua bán nông sản thực phẩm.

 

Ban chủ tọa Diễn đàn

 

Theo TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Phát triển nuôi cá lồng, bè bền vững hiệu quả cần quan tâm 3 khía cạnh: (i) Bền vững về kinh tế, chi phí vừa phải, nhưng thu nhập ổn định và ngày càng tăng cho người sản xuất; (ii) Bền vững về xã hội, tạo công ăn việc làm, mối liên kết thành chuỗi từ nuôi thủy sản đến thị trường tiêu thụ; (iii) Bền vững về môi trường cho người sản xuất và môi trường sống của người dân trong vùng. Để đạt được mục tiêu đó, các tỉnh cần có quy hoạch phát triển cho từng nhóm đối tượng, vùng nuôi thành sản phẩm hàng hóa, kiểm nghiệm chất lượng giống, gắn với chủ trương tái cơ cấu ngành thủy sản; Hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho ngành nuôi trồng thủy sản; tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tư vấn cho nông dân tiếp cận thị trường.

 

Tham quan mô hình nuôi cá lồng tại xã Quang Húc, huyện Tam Nông

 

Bích Dương
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia