Hiện nay diện tích nuôi cá tra vùng ĐBSCL đạt 5.500 ha. Trong những năm qua, xuất khẩu cá tra có tăng trưởng cao, đóng góp rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây cá tra xuất hiện nhiều điểm yếu, mất dần thị trường do cạnh tranh dẫn đến người nuôi bị thua lỗ. Nhằm tìm ra giải pháp phát triển bền vững ngành cá tra vùng ĐBSCL, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL”.

Diễn đàn đã thu hút đông đảo bà con ngư dân nuôi cá tra các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ và các nhà quản lý nhà khoa học tham dự. Trong tổng số 374 đại biểu có 250 người nuôi cá tra.

 

Toàn cảnh Diễn đàn

Diễn đàn đã chỉ ra khó khăn chủ yếu hiện nay trong nuôi cá tra là chi phí sản xuất tăng, tỷ lệ cá sống thấp, tỷ lệ hao hụt cao dẫn đến lợi nhuận không có. Nhiều địa phương nuôi ồ ạt không có quy hoạch, cơ cấu sản phẩm không hợp lý, chất lượng giảm sút. Bên cạnh đó sản phẩm cá tra Việt Nam khi xuất khẩu gặp nhiều thử thách về dư lượng kháng sinh trong sản phẩm, rào cản kỹ thuật, chính sách thương mại... Giá trị của sản xuất cá tra không cao hoặc thua lỗ do giá bán thấp hơn giá thành.

Tại Diễn đàn, nhiều vấn đề được doanh nghiệp và người nuôi quan tâm, những câu hỏi đã được đưa ra thảo luận như: hỗ trợ của Nhà nước về đăng ký chứng nhận VietGAP; cách hạ giá thành sản phẩm; xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trong thời gian tới; những điều kiện và yêu cầu khi nuôi theo chuỗi giá trị liên kết... Tổng số 28 câu hỏi đã được các nhà quản lý và nhà khoa học trao đổi với doanh nghiệp và người nuôi cá tra.

Theo các nhà quản lý, mặc dù có những rủi ro nhất định nhưng cũng có nhiều giải pháp giúp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người nuôi.

Hiện nay, Đồng Tháp đang thực hiện việc hỗ trợ liên kết nông dân nuôi cá tra thành các Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã dựa trên các vùng nuôi được quy hoạch, dự án cụ thể để được các cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Từ đó, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, người nuôi luôn có lợi nhuận 700 - 1.000 đồng/kg.

Đại diện Ban cố vấn cũng chia sẻ, nguyên nhân tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá tra cao là do con giống chưa sạch bệnh, người nuôi sử dụng kháng sinh quá mức cho phép, thay đổi môi trường sống và ô nhiễm nguồn nước.

Ban cố vấn cũng đưa ra giải pháp cho nông dân nuôi cá tra là tìm đến cơ sở sản xuất có uy tín để con giống đảm bảo chất lượng , giúp giảm chi phí do không phải sử dụng kháng sinh và sản phẩm không bị dư lượng kháng sinh cao...

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản lượng cá tra nguyên liệu, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế, giảm thiểu việc hao hụt, thua lỗ của người nuôi thì việc liên kết chuỗi giá trị cá tra từ sản phẩm đầu vào cho đến chất lượng đầu ra là rất quan trọng. Trong chuỗi giá trị này doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Người nuôi tự lo vốn đầu tư, doanh nghiệp đầu tư một phần và thu mua với giá bán theo thị trường, đảm bảo người nuôi luôn có lãi từ 500 - 1.500 đồng/kg.

Đồng Tháp là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL với gần 1.500 ha, trong đó vùng nuôi của doanh nghiệp là trên 1.000 ha. Đây cũng là một điển hình về liên kết sản xuất theo chuỗi có hiệu quả. Ông Như Văn Cẩn, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, hơn 3 năm nay, giá cá tra biến động khiến người nuôi thua lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trước tình hình này, nhiều mô hình thực hiện liên kết chuỗi giá trị với công ty Vĩnh Hoàn, Hùng Cá, Hoàng Long… bước đầu mang lại hiệu quả và luôn giúp người nuôi có lợi nhuận từ 700 đồng/kg trở lên.

Kết luận Diễn đàn, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu nhấn mạnh, để cá tra Việt Nam phát triển bền vững thì phải thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết. Trong chuỗi liên kết này cần sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nuôi. Cốt lõi là kỹ thuật nuôi, giá trị của chuỗi liên kết sẽ có giá trị tăng lên nhờ giải pháp quan trọng là tăng cường triển khai nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng sản phẩm vi sinh để đảm bảo chất lượng xuất khẩu, sản xuất cá tra bền vững cũng là một trong những mục tiêu hướng đến hội nhập TPP trong tương lai.

Vũ Tiết Sơn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia