Qua đó, đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, bảo đảm chất lượng phục vụ xuất khẩu. Muốn xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững phục vụ chế biến và xuất khẩu cần phải có sự gắn kết của “nhiều nhà”: Ngoài nhà quản lý, nhà khoa học, người nông dân và doanh nghiệp đầu tư, tiêu thụ sản phẩm thì cần có sự hỗ trợ của hệ thống khuyến nông, công ty cung ứng vật tư đầu vào, công ty chế biến, xúc tiến  thương  mại, kiểm soát thị trường, kiểm soát chất lượng và cả ngân hàng hỗ trợ vốn cũng như chính sách từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt có sự song hành về ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Các đại biểu tham quan vùng nguyên liệu dứa tại Sơn La

 

Sơn La là một tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc, có diện tích đất nông nghiệp lớn và hiện là “ngôi sao sáng” về chuyển đổi cơ cấu với 80.000 ha đã chuyển đổi thành công sang trồng cây ăn quả, được đánh giá là “hiện tượng nông nghiệp” của Việt Nam với nhiều mô hình thu nhập cao từ 200 - 400 triệu đồng/ha, là hình mẫu cho nhiều địa phương cả nước. Ngày 01/12/2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: "Liên kết phát triển sản xuất vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu" bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với điểm cầu Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Điện Biên trong bối cảnh thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Diễn đàn thu hút hơn 180 đại biểu là bà con nông dân, doanh nghiệp, cán bộ quản lý, kỹ thuật. Nhiều cơ quan báo đài Trung ương và địa phương đến đưa tin về Diễn đàn. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Diễn đàn là cơ hội để góp phần xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm với người sản xuất và đơn vị quản lý. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đang có định hướng xây dựng các vùng nguyên liệu, hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Sơn La là một trong những địa phương có nhiều nhà máy chế biến rau quả như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods; Nhà máy bảo quản và chế biến của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc; Nhà máy chế biến quả, đồ uống nước quả công nghệ cao của Tập đoàn TH; Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đang được xây dựng… Tuy nhiên để hình thành vùng nguyên liệu cần có sự liên kết giữa đơn vị quản lý, doanh nghiệp sản xuất trong đó có sự tham gia của người dân. Thông qua Diễn đàn này, các đơn vị quản lý, nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ được kết nối, đề ra giải pháp để xây dựng phát triển các vùng nguyên liệu từ thực tiễn, sớm hình thành các vùng nguyên liệu lớn trong thời gian đến.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc Diễn đàn

 

Tại Diễn đàn, các đại biểu ở các điểm cầu đã nghe các báo cáo, các thông tin về hiện trạng sản xuất cây ăn quả; kết quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình khuyến nông trong sản xuất cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc. Cùng nhau thảo luận đưa ra những giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn” nhằm tạo điều kiện môi trường thông thoáng, thuận lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; Phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi, lựa chọn công nghệ, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin, phần mềm truy xuất nguồn gốc; Ưu tiên các chương trình dự án khuyến nông về xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị khép kín và áp dụng mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp. Diễn đàn cũng là nơi để nông dân, các HTX, tổ HTX sản xuất phát triển vùng nguyên liệu và các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, các doanh nghiệp thảo luận về những vướng mắc trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, tập trung khai thác và tận dụng các lợi thế sản xuất để phát triển bền vững vùng nguyên liệu.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đang và sẽ có những định hướng công tác khuyến nông trong vùng nguyên liệu ở các tỉnh phía Bắc. Theo đó, Trung tâm sẽ tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định theo điều kiện đặc thù của vùng và phát huy lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, các địa phương cần phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi, lựa chọn công nghệ, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững và các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành, tăng sản phẩm an toàn, hữu cơ,... Đồng thời, chủ động nguồn giống, nhân giống, cơ chế và chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng giống cung ứng tại chỗ, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin hướng tới là người nông dân số và một nền nông nghiệp số./.

Toàn cảnh Diễn đàn tại điểm cầu TTKNQG

 

Toàn cảnh Diễn đàn tại điểm cầu Sơn La

Thanh Thủy