Ông Kim Văn Tiêu - Chuyên viên cao cấp, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La; Ông Nguyễn Hoài Thu - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai đồng chủ trì Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn, ngoài đại diện lãnh đạo, chuyên gia của các đơn vị trung ương và địa phương, còn có hơn 300 bà con nông dân nuôi cá lồng đến từ 7 tỉnh/thành phố gồm: Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Nội.

Toàn cảnh Diễn đàn

Khu vực Trung du miền núi phía Bắc là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện. Nuôi cá lồng bè trong sông suối và hồ chứa có ưu thế: nước sạch, hàm lượng ôxy lớn nên cá lớn nhanh, ít bị bệnh, chất lượng thịt săn chắc thơm ngon, không có mùi bùn như nuôi trong ao. Mặt khác, nuôi cá lồng còn mang lại hiệu quả xã hội rất lớn, cung cấp sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, giải quyết việc làm, giảm tệ nạn phá rừng.

Tuy nhiên, nghề nuôi cá ở các địa phương vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng. Số lượng lồng bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng sản phẩm nuôi vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng tại HTX Hợp Lực, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La

Bà Nguyễn Thị Hà – Nguyên Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) cho rằng: Yếu tố môi trường tác động rất lớn tới các yếu tố gây bệnh trên cá lồng. Do vậy, bà con cần sát sao, chú trọng công tác quản lý, chăm sóc trong khâu dinh dưỡng, theo dõi lượng thức ăn, thường xuyên quan sát màu nước, ghi chép sổ nhật ký, đặt tiêu chí “phòng bệnh hơn chữa bệnh” lên hàng đầu.

Đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung thảo luận vào những nhóm vấn đề chính như: sản xuất con giống; chất lượng con giống và thức ăn; môi trường nuôi và chính sách hỗ trợ nuôi cá lồng; vấn đề vệ sinh lồng bè và cách phòng trị bệnh.

Đặc biệt, cũng tại Diễn đàn, chuyên gia đã trực tiếp giải phẫu và hướng dẫn cách nhận biết, triệu chứng, biện pháp phòng trị nhiều mẫu bệnh cá do bà con nông dân mang tới. Qua hình thức trực quan sinh động này đã giúp bà con nông dân dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn.

Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết triệu chứng bệnh sán lá gan trên cá lăng

Nhằm phát triển nuôi cá lồng bè hiệu quả và bền vững trên sông và hồ chứa vùng Trung du miền núi phía Bắc. Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị:

- Đối với cơ quan quản lý: Cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch trong nuôi cá lồng; Tăng cường quản lý con giống và chất lượng con giống, kiểm soát tốt thức ăn, kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường, đặc biệt cần tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường; Tổ chức lại sản xuất cho bà con nông dân theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xã theo chuỗi; Đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

- Đối với cơ quan nghiên cứu: Tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các thiết kế lồng nuôi phù hợp với điều kiện thực tế khu vực, con giống có chất lượng, sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh để chuyển giao cho nông dân; Ứng dụng vắc- xin trong phòng trị bệnh cá nuôi lồng.

- Đối với trung tâm khuyến nông các tỉnh: Xây dựng các mô hình khuyến nông về cá lồng, đặc biệt ở những nơi có điều kiện phù hợp phát triển để tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế mặt nước, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; Xây dựng các mô hình nuôi cá hữu cơ, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường và nuôi công nghệ cao; Tổ chức tập huấn, đào tạo, nhân rộng mô hình cá lồng hiệu quả, thiết thực.

- Đối với cơ quan thông tấn báo chí: Đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình mới, mô hình hiệu quả để bà con nông dân biết học tập và làm theo.

- Đối với bà con nông dân: Trước khi nuôi bà con nên tham quan, học hỏi trước các mô hình hiệu quả rồi mới áp dụng, nên nuôi từ nhỏ đến lớn. Đồng thời, phải chuẩn bị kỹ lưỡng các yêu cầu về kỹ thuật và phải luôn chủ động, sáng tạo, say mê trong suốt quá trình nuôi, kết hợp với ghi chép sổ nhật ký đầy đủ để rút kinh nghiệm cho vụ sau.

Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày bên lề Diễn đàn

Ông Kim Văn Tiêu đưa ra một số khuyến cáo cho bà con nông dân nuôi cá lồng như sau:

- Thiết kế lồng phù hợp với điều kiện thực tế, khu vực nuôi căn cứ vào dòng chảy, độ trong, đối tượng nuôi, từ đó tính đến vật liệu làm lồng cho hợp lý.

- Lựa chọn con giống chất lượng tốt, mua ở cơ sở có uy tín, được kiểm dịch trước khi mua, con giống kiểm tra phải khỏe mạnh, đều cỡ, không bệnh tật, không xây sát, và phải có địa chỉ rõ ràng.

- Thực hiện phòng trị bệnh tổng hợp, tăng sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách vệ sinh lồng định kỳ, bổ sung vitamin C, tỏi tươi và chế phẩm sinh học.

- Quản lý thức ăn và môi trường nuôi thật tốt. Trong quá trình nuôi cần bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn sẽ giúp tăng trưởng nhanh, hạn chế bệnh về đường tiêu hóa, tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh, giảm hệ số thức ăn, hạ giá thành sản phẩm.

- Tổ chức liên kết nuôi theo chuỗi, không nuôi nhỏ lẻ, mạnh mún, tự phát.

Bà con cần thực hiện 5 cao 3 thấp: (5 cao: Tốc độ sinh trưởng cao, tỷ lệ sống cao, năng suất cao, hiệu quả cao và số vụ thành công cao - 3 thấp: chi phí thức ăn thấp, giá thành thấp và thiệt hại thấp) để hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, nhằm nuôi đạt hiệu quả cao  và  phát triển bền vững.

 

Xem video về Diễn đàn tại đây


Quảng Bình

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia