Tham dự Diễn đàn có 230 đại biểu, trong đó 170 đại biểu là nông dân đến từ các tỉnh: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. PGS. TS. Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình, TS. Đoàn Xuân Cảnh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực Cây thực phẩm, TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả chủ trì Diễn đàn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, địa hình để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2019 - 2020 là 5,5 nghìn ha; Trong đó, chuyển sang cây hàng năm khác khoảng 1,9 nghìn ha, chuyển sang cây lâu năm khoảng 2,5 nghìn ha, chuyển sang nuôi trồng thủy sản gần 1,1 nghìn ha. Nhiều địa phương trong vùng đã tích cực chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm và cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế cao, tạo được thương hiệu, uy tín đối với thị trường trong nước và quốc tế, như nhãn lồng Hưng Yên, ổi lê Đài Loan (Hưng Yên), cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai (Hà Nội), dứa (Ninh Bình), hành, tỏi (Hải Dương, Hà Nam), ...

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phát triển cây trồng bền vững ở vùng đã chuyển đổi còn gặp nhiều khó khăn như: Công tác quy hoạch chuyển đổi ở một số địa phương chưa cụ thể cho từng vùng, từng loại cây trồng; Việc phát triển nhân rộng mô hình chuyển đổi có hiệu quả cao còn nhiều hạn chế. Mặt khác, giá cả thị trường không ổn định dẫn tới nhiều mô hình cho năng suất cây trồng cao nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp dẫn đến hạn chế trong việc nhân rộng mô hình. Chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa chưa bền vững, thị trường tiêu thụ không ổn định, phần lớn người dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân đất lúa kém hiệu quả theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu giúp tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân đang trở thành yêu cầu cấp thiết.

Tại tỉnh Thái Bình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xác định một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2015 đến nay, các địa phương trong tỉnh Thái Bình đã tổ chức thực hiện việc chuyển đổi khá hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, ổn định sản xuất cho người dân. Đã có rất nhiều mô hình chuyển đổi thành công, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao và là những địa chỉ để nông dân trong toàn tỉnh học tập, mạnh dạn chuyển đổi.

Cụ thể như mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu các loại, hình thành vùng chuyên canh tập trung ở xã Quỳnh Hải - Quỳnh Phụ, 5 năm qua chuyển đổi được 170 ha cấy lúa kém hiệu quả, hình thành vùng chuyên canh rau màu lớn của tỉnh. Mỗi năm, vùng chuyên canh rau màu của Quỳnh Hải sản xuất, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục nghìn tấn rau màu các loại. Vụ đông năm 2020 toàn xã có 260 ha trồng cây màu các loại như: su hào, cải bắp, súp lơ, hành lá... đem lại doanh thu khoảng 600 - 800 triệu đồng/ha.

Từ những mảnh ruộng cấy 1 vụ lúa, thậm chí bỏ hoang nhiều vụ, nay chuyển đổi sang cây trồng mới, thay đổi tư duy sản xuất đã mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho ông Phạm Văn Toản, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Mô hình trồng bí xanh tại xã Tân Phong - Vũ Thư với thời gian sinh trưởng ngắn, quay vòng vốn nhanh mỗi vụ cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha…

Trang trại Surfam là một trong những điển hình tích tụ ruộng đất, trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao tại Thái Bình. Trên diện tích 5,5 ha, trang trại Surfam của gia đình anh Trần Văn Thưởng, xã Hồng An, huyện Hưng Hà trồng hàng nghìn cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP như táo lê, ổi lê, cam Vinh, cam đường canh,... Ngoài trồng cây ăn quả, anh còn nuôi gà thịt, tận dụng nguồn phân ủ mục bón cho cây trồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về của trang trại Surfam vào khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Gia đình ông Vũ Văn Tuyến với diện tích trồng 2 mẫu cây thanh long cho hiệu quả trên 550 triệu đồng mỗi năm.

Mô hình chuyển đổi sang trồng cây mít kết hợp một số loại cây ăn quả của anh Nguyễn Duy Dự ở xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy. Với diện tích 3 ha hầu hết là những ruộng lúa dân bỏ hoang, ruộng lúa năng suất thấp hiện đang trồng khoảng 600 cây mít Thái siêu sớm và hàng trăm cây khác bao gồm táo, bưởi, cam chanh các loại. Riêng cây mít một năm đã cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng.

Diễn đàn đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân đất lúa kém hiệu quả và sản xuất cây trồng bền vững ở vùng đã chuyển đổi với hơn 20 câu hỏi được trao đổi trực tiếp tại Diễn đàn. Qua tham quan trao đổi kinh nghiệm tại mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu tại xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình sẽ giúp bà con nông dân khắc phục được những khó khăn trong sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm với vụ mùa bội thu.

Một số hình ảnh của Diễn đàn:

PGS. TS. Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khai mạc Diễn đàn

 

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Ban chủ tọa Diễn đàn

 

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

 

Các đại biểu tham quan mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu tại xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

 

Giám đốc TTKNQG trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí bên lề Diễn đàn

 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xác định một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp

 

 

Vân Quỳnh - Đỗ Tuấn