Diễn đàn được kết nối trực tuyến với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Tại điểm cầu Hà Nội có TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Tại Thái Nguyên có ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì Diễn đàn.

Với diện tích đất đất nông lâm nghiệp, thủy sản là 303.555 ha, chiếm 86,07% tổng diện tích tự nhiên, tỉnh Thái Nguyên có nhiều lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Tính đến nay, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh đạt 15 triệu con, trong đó đàn gà 13 triệu con, chiếm 86,6%. Sản lượng thịt gà đạt 45.300 tấn, chiếm 98,5% tổng sản lượng thịt gia cầm; sản lượng trứng gà 405 triệu quả;  giá trị sản phẩm gà đạt 4.600 tỷ đồng.

Chăn nuôi gia cầm chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô trang trại, chủ yếu ở các vùng chăn nuôi trọng điểm, có thương hiệu như huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công. Toàn tỉnh hiện có 406 trang trại chăn nuôi gia cầm; chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 40% tổng đàn gia cầm.  

Các đại biểu thăm mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã gà đồi Đông Thịnh (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình)

 

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn gà 15 triệu con, sản lượng thịt hơi 52.515 tấn, sản lượng trứng 450 triệu quả; đến năm 2030 tổng đàn gà là 15,5 triệu con, sản lượng thịt hơi 56.000 tấn, sản lượng trứng 470 triệu quả. Giá trị sản phẩm gà năm 2025 đạt 5.438 tỷ đồng, năm 2030 đạt 6.471 tỷ đồng. Phát triển chăn nuôi gà ở Thái Nguyên theo hướng hiện đại, bền vững; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm thịt trên thị trường trong nước và phấn đấu đủ điều kiện để xuất khẩu.  

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: quy mô chăn nuôi nông hộ vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%), với hệ thống chuồng trại tận dụng, không đồng bộ quy trình chăn nuôi, nên việc áp dụng an toàn sinh học, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt gia cầm không ổn định, giá thấp kéo dài, giá vật tư đầu vào tăng cao, thiếu bền vững, chưa có thị trường xuất khẩu sản phẩm chính gạch; chưa gắn kết chăn nuôi với giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; rủi ro trong sản xuất chăn nuôi vẫn còn rất cao.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp phát triển chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” có sự tham gia của 6 thành viên ban cố vấn từ Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên, Liên minh hợp tác xã, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, Hội Chăn nuôi, thú y tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Hợp tác xã (HTX) Gà đồi Đông Thịnh. Tại Diễn đàn, ban chủ tọa, ban cố vấn và các đại biểu, người chăn nuôi đã trao đổi, đối thoại trực tiếp về vấn đề chăn nuôi gà an toàn sinh học, liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong chăn nuôi gia cầm trong tỉnh. Qua đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển chăn nuôi gà bền vững.

Hợp tác xã Gà đồi Đông Thịnh, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình là một trong những đơn vị thành công trong chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc HTX, thành viên ban cố vấn chia sẻ, sản phẩm chính của HTX là sản xuất gà giống và gà thịt thương phẩm với 02 loại giống gà ri và gà ri lai. Đây là 2 giống gà dễ nuôi phù hợp với điều kiện bán chăn thả, có chất lượng thịt thơm ngon và săn chắc được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng. Với quy mô trên 5 vạn con gà thịt lông màu, HTX tham gia mô hình sản xuất thực phẩm an toàn cung cấp cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc khi đưa vào các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn tiêu thụ tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… Đã có trên 60% số lượng gà được phân phối theo các hợp đồng liên kết đã ký.

Theo ông Phạm Quang Phúc, chủ tịch Hội Chăn nuôi Thú y Thái Nguyên, không chỉ chủ động áp dụng đồng bộ, triệt để các giải pháp trong chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào đàn vật nuôi mà cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mới có thể phát triển chăn nuôi an toàn sinh học một các bền vững, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Phải rà soát lại quy hoạch, hình thành các vùng chăn nuôi có sức hút các doanh nghiệp đầu tư hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất gắn với thị trường. Xây dựng chính sách hỗ trợ về liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm để bảo vệ thương hiệu, uy tín cho sản phẩm chăn nuôi và truy xuất được nguồn gốc.

Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp là một xu hướng tất yếu, đòi hỏi các HTX phải hợp tác, liên kết sản xuất, thương mại, nhất là việc liên kết ngang giữa những người sản xuất và liên kết dọc theo chuỗi giá trị sản phẩm. Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 642 HTX trong đó có 434 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, thu nhập bình quân người lao động đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động của các HTX ngày càng ổn định, hiệu quả, quy mô sản xuất được mở rộng, thu nhập của thành viên và người lao động từng bước được nâng cao. Tỉnh Thái nguyên phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 1.300 tổ hợp tác được đăng ký thành lập với 22.000 thành viên; 900 HTX với 32.000 thành viên; 6 Liên hiệp HTX với 30 thành viên. Có trên 25% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; có khoảng 60% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Tại diễn đàn, hơn 20 câu hỏi của các đại biểu về các lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật chăn nuôi, thú y, cơ chế chính sách, xây dựng các chuỗi liên kết, thành lập hợp tác xã; các thủ tục chứng nhận VietGAP, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho cơ sở, trang trại chăn nuôi gia cầm lần lượt được ban chủ tọa, ban cố vấn diễn đàn giải đáp thỏa đáng. Trong chương trình, các đại biểu và hộ dân đã đi thăm và trao đổi trực tiếp tại mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Hợp tác xã gà đồi Đông Thịnh, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình.

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, Sở sẽ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp trong các đề án, dự án đã được tỉnh phê duyệt nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch thực hiện chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong đó thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gia cầm, cũng như cơ sở giết mổ; chính sách hỗ chợ phòng chống dịch bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và sử lý môi trường trong chăn nuôi. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm; xây dựng liên kết và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gia cầm. Nâng cao năng lực, hiệu quả và đồng bộ công tác phòng chống dịch bệnh; không để dịch bệnh nguy hiểm xẩy ra, lan rộng trên địa bàn tỉnh…

Phái biểu kết luận tại Diễn đàn, TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám Đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, an toàn sinh học là giải pháp không những giúp cho người dân chăn nuôi tốt mà còn đảm bảo về mặt môi trường, giảm chi phí, giúp đàn gà sinh trưởng phát triển tốt. Liên kết tiêu thụ sản phẩm là giải pháp tất yếu hiện nay. Giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ là giải pháp đồng bộ; vừa giúp cho tiêu thụ sản phẩm, đồng thời giúp cho an toàn dịch bệnh. Tỉnh Thái Nguyên có điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi gà; sản lượng thịt và trứng gà của tỉnh không những chỉ cung cấp cho các tỉnh lân cận, các thành phố lớn mà còn có tiềm năng xuất khẩu. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên các chương trình dự án khuyến nông, đào tạo, huấn luyện về chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) xây dựng bộ tài liệu về thực hành quản lý tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm; tài liệu sẽ giúp cho cán bộ khuyến nông hỗ trợ bà con nông dân giải pháp kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học./.

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên