Tham dự Diễn đàn có 151 đại biểu, trong đó với khoảng 100 hội viên nuôi yến, người nuôi yến tại 14 tỉnh, thành: Gia Lai, Bình Thuận, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang và Kiên Giang.

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Tính đến tháng 10/2019, cả nước có 42 tỉnh nuôi chim yến với tổng số trên 14 nghìn nhà yến, trong đó Kiên Giang là tỉnh có số lượng nhà yến nhiều nhất với khoảng 900 nhà. Vùng nuôi chim yến nhiều nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung; Những năm gần đây nhà yến cũng đã được xây dựng ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Sông Hồng. Thời gian gần đây, nghề nuôi chim yến phát triển nhanh ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang và Sóc Trăng.

Theo ước tính của các chuyên gia, năm 2018, sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam khoảng 68 tấn. Thị trường nhập khẩu chính là Hồng Kông, Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Australia, New Zealand...

Nghề nuôi chim yến nước ta đang phát triển nhanh và mạnh nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn

 

Tuy nhiên nghề nuôi chim yến ở nước ta đã và đang phải đối mặt với một số hạn chế, khó khăn như: Việc gây nuôi còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn; Quản lý điều kiện dẫn dụ gây nuôi chim yến còn thiếu quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính chim yến; Các chuỗi sản phẩm ngành yến bước đầu đã hình thành nhưng còn chưa thống nhất với nhau vì mục tiêu chung là phát triển ngành hàng yến sào; Chưa có quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh, quy cách chuồng trại, dinh dưỡng cho thích hợp với từng đối tượng vật nuôi để làm căn cứ ban hành quy định để quản lý. Về kỹ thuật nuôi chim yến: Nghề nuôi chim yến phát triển nhanh trong khi thiếu các kiến thức và hiểu biết về chim yến; thiếu những hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật trong đầu tư xây dựng và vận hành nhà yến. Rất nhiều trường hợp đầu tư xây nhà yến hàng tỷ đồng mà không dẫn dụ được đàn chim yến hoặc dẫn dụ được chim yến vào rồi lại bỏ đi. Mặt khác, việc xuất khẩu yến thô theo đường tiểu ngạch và phát triển nuôi yến tự phát đang làm giảm giá trị sản phẩm và hiệu quả của ngành yến Việt Nam.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi yến bền vững tại Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh

 

Trước những tồn tại và khó khăn trên, Diễn đàn được tổ chức nhằm truyền thông các chủ trương, chính sách quản lý hoạt động nuôi chim yến và tìm ra các giải pháp phát triển ngành yến bền vững, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.

Phần thảo luận, trao đổi giữa các đại biểu tham dự và Ban cố vấn diễn ra rất sôi nổi. Ban tổ chức đã nhận được 37 câu hỏi trực tiếp và gián tiếp của các đại biểu và đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng. Các câu hỏi tập trung nhiều vào nội dung: Quản lý Nhà nước về ngành yến (14 câu); Việc dẫn dụ, kỹ thuật xây dựng nhà yến (10 câu); Chuỗi liên kết và xuất khẩu ngành yến; Thức ăn và dịch bệnh trong nuôi yến…

Tại Diễn đàn, nhiều hội viên nuôi yến chia sẻ việc mua bán, thương mại sản phẩm tổ yến chưa có thị trường ổn định, nhiều khi còn cạnh tranh nhau về thị trường, người nuôi yến vẫn bị ép giá. Về vấn đề này, theo ThS. Đỗ Tú Quân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà yến Việt Nam, việc đầu tư vào khâu chế biến của người nuôi yến còn chưa được chú trọng đúng mức, mang tính tự phát, không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; sản phẩm chủ yếu bán dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao. Để tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì cần phải thực hiện đúng quy trình và người nuôi yến không thể đơn phương thực hiện được mà cần phải có sự phối hợp giữa người nuôi và Chi hội nhà yến Việt Nam. Bước đầu tiên và quan trọng nhất là người nuôi nên đăng ký tham gia chi hội nhà yến uy tín để được hướng dẫn quy trình quản lý, quy trình sản xuất ra được sản phẩm chất lượng (tổ yến loại A), nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. 

Quy trình sơ chế yến sào Việt Nam

 

Nhiều hội viên nuôi yến cũng cho biết mặc dù đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật dẫn dụ nhưng yến về lại bỏ đi hoặc ở lại rất ít. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quốc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp Hội Yến sào Việt Nam chia sẻ một số sai lầm trong dẫn dụ yến như sau: Khi yến về nhiều, chủ nhà thường quan tâm, xuất hiện thường xuyên trong nhà sẽ làm yến “nhát”. Hoặc những người có mùi thuốc lá/nước hoa xuất hiện nhiều, xịt chất dẫn dụ quá liều lượng, hay ngược lại, chủ nhà yến không quan tâm, bỏ mặc không bảo trì, chăm sóc nhà yến đều là nguyên nhân làm yến bỏ đi. Người nuôi yên nên chú ý và tránh những sai lầm này để dẫn dụ yến hiệu quả.

Giải đáp thắc mắc về quy định sử dụng âm thanh, xây dựng nhà yến hợp pháp, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ như sau: Sử dụng âm thanh dẫn dụ với cường độ âm thanh không vượt quá 70 dB A trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Người nuôi nên tuân thủ theo để tránh ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Ông nhấn mạnh, khi xây dựng nhà nuôi yến, chủ hộ phải khai báo với chính quyền địa phương, được chính quyền chấp nhận khai báo là nhà nuôi yến đã được công nhận.

 TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổng kết Diễn đàn

 

Để phát triển bền vững ngành yến ở các tỉnh thành phía Nam, TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất một số giải pháp như sau:

- Đối với Cục Chăn nuôi, Cục Thú y cần có văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa hơn, sát thực tế, phù hợp với sự phát triển nhanh và mạnh đàn yến hiện nay..

- Đối với các địa phương, đề nghị quy hoạch công khai các tiểu vùng được dẫn dụ, gây nuôi yến; các điều kiện, các yêu cầu về vấn đề môi trường, việc thẩm định trong xây nhà yến.

- Các Hiệp hội, Chi hội và Doanh nghiệp cần tiếp tục hỗ trợ cho người nuôi yến trong liên kết sản xuất chuỗi, hình thành hợp tác xã, hình thành kết nối, tạo liên kết để chất lượng và sản phẩm yến đạt yêu cầu trong việc thẩm định và xuất khẩu.

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tổng hợp danh sách các chuyên gia về lĩnh vực ngành yến với đầy đủ thông tin, địa chỉ để người nuôi yến cả nước biết, kết nối. Đồng thời, phối hợp với các Hiệp hội, chi hội, doanh nghiệp về yến để xây dựng Sổ tay Kỹ thuật nuôi yến; Phối hợp Hiệp hội Yến sào Khánh Hòa xây dựng tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ kỹ thuật địa phương về yến…

Nguyễn Nhung

Ảnh: Đỗ Tuấn