Nếu như trước đây tôm sú đóng vai trò chủ lực thì nay con tôm chân trắng đang vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Lần đầu tiên, trong năm 2013, tôm chân trắng vượt tôm sú cả về sản lượng lẫn giá trị kinh tế. Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích nuôi tôm năm qua đạt 654.000 ha; trong đó, diện tích tôm sú là 590.000 ha cho sản lượng 268.097 tấn, còn diện tích nuôi tôm chân trắng chỉ 64.000 ha nhưng sản lượng đạt tới 272.837 tấn. Như vậy, diện tích nuôi tôm sú gấp hơn 9 lần so với tôm chân trắng nhưng sản lượng lại ít hơn 4.740 tấn. Xuất khẩu tôm trong năm này thắng lớn với kim ngạch hơn 3 tỷ USD là nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục của tôm chân trắng mang lại. Trong con số này có sự đóng góp một phần sản lượng của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát.

 

Tại các tỉnh ven biển miền Trung, năm 2013 có 9 tỉnh nuôi tôm trên cát với tổng diện tích là 1.457 ha, sản lượng thu hoạch là 24.035 tấn. Những tỉnh có diện tích nuôi tôm trên cát lớn điển hình như QuảngTrị (450 ha), Quảng Nam (340 ha), Thừa Thiên Huế (385 ha). Năng suất bình quân của mô hình nuôi tôm thẻ trên cát đạt 10-15 tấn/ha/vụ, cá biệt có mô hình nuôi đạt năng suất 50-60 tấn/ha/vụ như ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị.

 

Ngoài đóng góp vào việc tăng sản lượng tôm xuất khẩu của cả nước, nghề nuôi tôm trên cát ở các tỉnh ven biển miền Trung còn giúp tận dụng tối đa diện tích đất bỏ hoang, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho dân cư ven biển, giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ...

 

Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng còn bộc lộ nhiều bất cập như hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, hầu hết những hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa có ao chứa, lắng; việc xả thải bừa bãi nguồn nước chưa qua xử lý, quy trình nuôi áp dụng chưa đúng kỹ thuật khiến cho dịch bệnh dễ lây lan, đồng thời gây ô nhiễm môi trường, nhiều diện tích rừng đặc dụng bị phá làm hồ nuôi tôm, nhiều vùng biển đẹp bị ô nhiễm, nguy cơ cạn kiệt và mặn hóa đất và nguồn nước ngầm...

 

 

TS Phan Huy Thông - GĐ TTKNQG chủ trì Diễn đàn

 

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hướng an toàn, bền vững ở vùng cát ven biển các tỉnh miền Trung” lần này quy tụ đại diện các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu để cùng trao đổi, tư vấn cho bà con nông dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc, từ đó giúp bà con đầu tư vào mô hình này thu được hiệu quả và lợi nhuận cao nhất. Đồng thời đây cũng là dịp giúp các nhà quản lý xác định những điểm yếu trong các quy định hiện hành để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.

 

Diễn đàn có sự tham dự của gần 300 đại biểu là đại diện các Cục, Vụ, Viện của Bộ Nông Nghiệp &PTNT, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông của 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và đông đảo bà con nông dân có diện tích nuôi tôm trên cát vùng ven biển miền Trung, các doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương. 42 câu hỏi của bà con nông dân xoay quanh các vấn đề về con giống, thức ăn, hóa chất, kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho tôm chân trắng, chính sách hỗ trợ, bảo hiểm trong nuôi tôm chân trắng, thủ tục chứng nhận nuôi tôm chân trắng theo quy chuẩn VietGAP... được Ban cố vấn Diễn đàn giải đáp thỏa đáng.

 

Ban chủ tọa, Ban cố vấn tại Diễn đàn

 

Tại Diễn đàn, đại biểu đã được nghe một số báo cáo tóm tắt về tình hình nuôi tôm sú, tôm chân trắng trên cát, công tác quản lý chất lượng con giống, cơ sở sản xuất giống tôm chân trắng, thị trường đầu ra trong thời gian tới; đặc biệt là những chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác quản lý vùng nuôi tôm chân trắng trên cát của UBND xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Khánh Ly – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản – Tổng cục Thủy sản cho rằng để phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ nói chung và nuôi tôm trên cát một cách bền vững, các địa phương cần căn cứ quy hoạch tổng thể nuôi trồng thủy sản được phê duyệt theo quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến 2020 và tầm nhìn 2030, rà soát lại quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh đối với những vùng nuôi tôm.

 

 

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Kết luận Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: sau hơn 10 năm du nhập vào Việt Nam, tôm thẻ chân trắng hiện đang phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng lớn về sản lượng. Tại vùng cát gần như nghèo đói, hiện nay một số cơ sở đầu tư khoa học tiên tiến vào sản xuất đã mang lại lợi nhuận cao.

 

Qua các báo cáo trình bày và những câu hỏi thảo luận giữa Ban cố vấn và các đại biểu TS. Phan Huy Thông đề nghị Tổng cục Thủy sản đưa ra quy hoạch tổng thể cho nuôi tôm trên cát; Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh sớm có quy hoạch một cách chi tiết cho từng xã, từng vùng trong tỉnh, hướng dẫn người dân phát triển nuôi tôm trên cát tại các vùng hoang hóa, không chặt phá rừng phòng hộ ven biển. Chỉ nuôi tôm trên cát ở những vùng có nguồn nước ngọt bề mặt (như nước sông, nước mưa, hồ chứa). Đối với những vùng phải sử dụng nước ngầm cho nuôi tôm cần đánh giá trữ lượng nước ngầm để làm căn cứ cho việc đầu tư hệ thống kênh mương cấp, thoát nước đảm bảo.

 

Về khoa học công nghệ, nuôi tôm trên cát phải nuôi thâm canh, gắn với khoa học công nghệ tiên tiến. Các địa phương nên khuyến cáo để giúp bà con và các doanh nghiệp vừa sản xuất đạt hiệu quả vừa tránh được tình trạng vi phạm về vùng nuôi. Bên cạnh đó, cần tăng cường nuôi theo hướng an toàn VietGAP và tuân thủ theo nguyên tắc “Bốn chữ A”, đó là: An toàn về môi trường, an toàn về thực phẩm, an toàn về lao động và an sinh xã hội.

 

Việc tổ chức công khai, nghiêm túc quy hoạch tại các địa phương là việc làm rất cần thiết, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, qua đó để mọi người hiểu và thực hiện theo quy hoạch đề ra. TS. Phan Huy Thông khuyến cáo các địa phương nên học tập phương pháp tổ chức, quản lý vùng nuôi tôm chân trắng trên cát của UBND xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là cách làm hay và hiệu quả, có tính minh bạch, rõ ràng, tạo được niềm tin cho người dân, từ đó đẩy nhanh công tác quy hoạch trong nuôi tôm, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển nghề nuôi tôm.

 

TS. Phan Huy Thông – Giám đốc TTTKNQG và lãnh đạo TTKNLN Huế cùng các cán bộ

thăm mô hình ương tôm giống trong hệ thống Green House của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam 

 

 

Hệ thống ao nuôi thương phẩm tại khu sản xuất của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam

 

Nguyễn Thị Mai - TTKNQG