Tham dự Diễn đàn có đại diện của các cơ quan nông nghiệp Trung ương và địa phương cùng nông dân 5 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng.

 

Quản lý dựa vào cộng đồng và đồng quản lý nguồn lợi ven biển nói chung đã và đang được triển khai ở Việt Nam gần 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, nó còn nhiều tồn tại, vướng mắt trong quá trình triển khai, chưa có nền tảng vững chắc về pháp lý, tài chính, tổ chức để phát triển một cách hiệu quả và bền vững. Phát biểu khai mạc, cảnh báo về tình trạng khai thác đáng báo động, TS. Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: "Tổng trữ lượng tài nguyên thủy sản các vùng biển của Việt Nam có khoảng 5 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác tối đa bền vững khoảng 2,15 triệu tấn. Tuy nhiên, năm 2012, sản lượng khai thác đã vượt 2,7 triệu tấn, nghĩa là vượt mức khai thác tối đa bền vững khoảng trên 550 nghìn tấn. Nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức đã ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Thực tế là các loại thủy sản có giá trị cao như cá chim, cá sủ, các đàn tôm, các đàn cá nhụ, cá thiều, cá hồng, cá song lớn, cá mòi chấm... nay không còn xuất hiện nữa, chỉ còn nhiều cá tạp, cá nhỏ. Doanh thu của nghề khai thác vì thế cũng giảm theo..."

 

Nghề khai thác các nguồn lợi thủy sản nước ngọt còn báo động hơn rất nhiều. Cả nước có hàng ngàn con sông suối, kênh, rạch, hồ nước lớn nhỏ và hàng triệu ha các vùng đất ngập nước. Tuy nhiên, vì khai thác quá mức nên các tài nguyên thủy sản hầu như không còn được bao nhiêu trong các vực nước.

 

Trước thực trạng đó, TS. Phan Huy Thông cho rằng, phương thức quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, đặc biệt là tại các nước đang phát triển và được thừa nhận là một phương thức quản lý hiệu quả, ít tốn kém. Thông qua phương thức này, cộng đồng dân cư các địa phương ven biển được trao quyền cụ thể, có kiểm soát trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Điều này đã tăng cường sự chủ động, thúc đẩy cộng đồng dân cư cùng chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. 

 

TS. Phan Huy Thông cho biết thêm, bằng nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và trong nước, của các địa phương, đến nay Việt Nam đã có khoảng hơn 40 mô hình đồng quản lý/quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng đã được triển khai và áp dụng, bao gồm cả nuôi trồng và khai thác thuỷ sản tại 18 tỉnh, thành phố ở 7 vùng sinh thái. Tuy nhiên, do nghề cá Việt Nam có những đặc điểm rất riêng như: quy mô nhỏ; ngư dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản, ngư dân các vùng ven biển sống phụ thuộc vào nghề cá (chiếm 82%); hoạt động ở gần bờ và sử dụng ngư cụ đánh bắt khá đơn giản... nên khi triển khai Dự án, nhận thức của ngư dân cũng như chính quyền địa phương về mô hình đồng quản lý nghề cá còn hạn chế, chưa thấy rõ được những tác hại của việc xâm hại quá mức nguồn lợi thủy sản mà chỉ quan tâm tới thu nhập từ nghề này, dẫn tới phát triển không bền vững.

 

Ban chủ tọa và Ban cố vấn tại Diễn đàn

 

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận những thông tin, kiến thức về thực trạng đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ ở Việt Nam hiện nay; những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động đồng quản lý nghề cá đã và đang triển khai trong cả nước. Đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm và các kiến nghị trong thời gian tới nhằm phát triển phương thức đồng quản lý nghề cá một cách hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, giảm chi phí quản lý, bảo vệ nguồn lợi cho thế hệ mai sau.

 

Kết luận tại Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông đã đề xuất, kiến nghị các phương pháp quản lý và cách thức hoạt động của mô hình đồng quản lý nhằm phát huy tính ưu việt cũng như nhân rộng và phát triển hơn mô hình này trên cả nước. Đó là:

 

- Tuyên truyền phổ biến pháp luật, khoa học kỹ thuật và phương pháp quản lý, cách thức hoạt động mô hình cho hiệu quả.

 

- Cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề đồng quản lý. Tăng cường tổ chức phổ cập các kiến thức về khai thác bền vững cho người dân. Đây là vấn đề tiền đề, tiên quyết để các hộ đoàn kết thành các tổ chức khai thác hiệu quả, bền vững, chứ không thể đơn thuần từng hộ. Tổ chức liên kết cho nông dân ở các cấp độ khác nhau tùy từng địa phương, tùy từng phương thức khác nhau.

 

- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo quản và chế biến, đặc biệt là trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

 

- Đa dạng hóa ngành nghề sinh kế của người dân để tránh tình trạng chỉ khai thác cạn kiệt ở một lĩnh vực. Cần kết hợp nông nghiệp với ngư nghiệp, khai thác với nuôi trồng, ngư nghiệp với du lịch... mới đảm bảo mô hình phát triển và nhân rộng mô hình quản lý động đồng.

 

- Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm vào cuộc để bảo vệ người dân. Trao quyền cho cộng đồng dân cư và phải bảo vệ quyền lợi cho họ bằng cách hỗ trợ phổ biến tuyên truyền các chính sách khai thác sử dụng mặt nước thuận lợi và hỗ trợ cho người dân vùng khai thác khó khăn, bãi ngang, hải đảo... hoặc hỗ trợ cho họ chuyển đổi nghề.

 

- Tăng cường thông tin tuyên truyền và nhân rộng các mô hình khai thác hiệu quả trên báo đài để người dân học tập.

 

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Hướng Dương