Toàn cảnh diễn đàn

Nhằm giúp ngư dân được tiếp cận với chủ trương, chính sách của Nhà nước; những thành tựu khoa học kỹ thuật, mô hình điển hình tiên tiến trong khai thác, phát huy tinh thần đoàn kết, tương  trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong quá trình tổ chức khai thác hải sản trên biển, phòng, tránh bão, sự cố, tai nạn, cứu hộ, cứu nạn và tiêu thụ sản phẩm; trong 2 ngày 18 – 19 tháng 8 năm 2016, tại TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam tổ chức Diễn đàn “Phát triển các mô hình tổ, đội tàu liên kết khai thác hải sản xa bờ khu vực miền Trung”.

Tham dự Diễn đàn có ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam (Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT), ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng Cục Thủy sản, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, Trung tâm khuyến nông, các đơn vị liên quan và ngư dân với tổng số 250 đại biểu, trong đó 180 ngư dân đến từ 8 tỉnh ven biển miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Quảng Nam và Bình Thuận). Trong khuôn khổ Diễn đàn các chuyên gia đã trao đổi, đối thoại cởi mở với ngư dân và đại biểu về những vấn đề khó khăn vướng mắc của các tổ, đội liên kết khi khai thác hải sản xa bờ, đề xuất giải pháp giúp ngư dân yên tâm bám biển nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Khai thác hải sản xa bờ trước nhiều tồn tại, thách thức

Khu vực miền Trung có đường bờ biển dài 1.800km, chạy dọc từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận với trữ lượng hải sản lớn nhất trong cả nước, cho phép khai thác tới 600.000 tấn/năm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục thủy sản, tính đến năm 2015, miền Trung có khoảng hơn 47.000 tàu cá (chiếm gần 40% số tàu cá trên cả nước), trong đó có 13.000 tàu đánh bắt xa bờ (chiếm khoảng 55% tổng số tàu khai thác xa bờ của cả nước), số còn lại là tàu đánh bắt gần bờ. Số lượng lao động nghề cá tăng liên tục trong những năm gần đây. Từ năm 1990 đến 2011, số lượng lao động đánh bắt hải sản từ 270.587 người tăng lên 840.000 người, gấp trên 3 lần. Bình quân mỗi năm tăng khoảng 27 nghìn lao động (tăng trung bình 5,5 %/năm).

Theo báo cáo của Hội Nghề cá Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, số tổ hợp tác/tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển đã thành lập trên cả nước khoảng 3.800 tổ với khoảng 21.400 tàu cá và khoảng 135.809 lao động; số lượng tổ hợp tác đã tăng thêm trên 2.000 tổ (tăng thêm khoảng 60% so với thời điểm trước khi Hội nghị về phát triển tổ, đội sản xuất năm 2011 tại Bình Thuận). 

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng ngành khai thác hải sản xa bờ ở nước ta đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động khai thác thủy sản về cơ bản vẫn nặng tính nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ nên ảnh hưởng lớn đến sản lượng khai thác cũng như tính an toàn cho ngư dân khi hoạt động trên biển: Tình trạng khai thác quá mức và nguồn lợi suy giảm; chưa khống chế được số lượng tàu thuyền khai thác phù hợp với khả năng nguồn lợi. Hiệu quả kinh tế của các hoạt động khai thác đạt thấp, kích thước vỏ tàu còn nhỏ. Trang thiết bị còn thô sơ; kỹ thuật khai thác còn lạc hậu; bảo quản sau thu hoạch còn yếu. Bên cạnh đó, thiếu đội ngũ thuyền trưởng và thuỷ thủ có tay nghề cao. Các biện pháp quản lý nghề khai thác hải sản và kiểm tra giám sát tàu thuyền chưa được thực thi một cách hiệu quả.

Tổ sản xuất đoàn kết, tạo sức mạnh vươn khơi bám biển

Đây là Diễn đàn có chủ đề sát thực tế và đúng nguyện vọng của ngư dân, đã có trên 40 câu hỏi của đại biểu và ngư dân trao đổi chia sẻ, đặc biệt nhiều nội dung ngư dân mong muốn được đối thoại trực tiếp với đại diện cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu về chính sách, kỹ thuật bảo quản chế biến sản phẩm, thị trường, với mong muốn phát triển nghề khai thác xa bờ, mang lại giá trị kinh tế cao và đảm bảo an toàn hàng hải, yên tâm vươn khơi bám biển làm giàu và bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng cường liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tránh hạn chế thất thoát sau thu hoạch, tư thương ép giá.

Thăm Tổ đoàn kết khai thác trên biển tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Hoạt động của tổ đội đoàn kết, xuất phát từ trách nhiệm, quyền lợi và thực tiễn của ngư dân khi khai thác xa bờ,việc gắn kết để sản xuất trên biển là điều vô cùng cấp thiết hiện nay, góp phần cho các thuyền viên yên tâm phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Tỉnh Quảng Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học, doanh nghiệp đến nghiên cứu và quảng bá các thiết bị, sản phẩm, công nghệ, máy móc hiện đại; giúp ngư dân tiếp cận, đầu tư, vận hành sản xuất; chỉ đạo ngành liên quan và chính quyền các cấp tập trung hỗ trợ kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng vận hành tàu vỏ thép cũng như tập huấn, giúp ngư dân nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống khẩn cấp trên biểntheo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ”.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam cho biết thêm: Ngành chức năng đã cùng địa phương phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền, vận động thành lập các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 136 tổ, đội tàu liên kết khai thác xa bờ, trên tất cả các nghề khai thác hải sản với 971 tàu, 7.871 lao động. Trong đó, có 325 tàu từ 90CV trở lên với 4.716 lao động; 646 tàu dưới 90CV với 3.155 lao động tham gia. Tiếp cận Nghị định 67/2014/NĐ-CP riêng ngư dân xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đến nay đã đóng mới 11 chiếc tàu khai thác xa bờ với công suất 90CV trở lên.

Một trong những tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 của ngư dân Tam Quang 

Trao đổi với các đại biểu khi đến thăm quan mô hình Tổ đoàn kết xã Tam Quan, Núi Thành, ông Huỳnh Văn Tạo (Tổ trưởng tổ đoàn kết số 7) chia sẻ: Trước thực tế tình hình Biển Đông, đã ảnh hưởng tới tâm lý của người đi biển, tuy nhiên việc hình thành các tổ sản xuất đoàn kết khai thác xa bờ đã hỗ trợ nhau rất nhiều, các thành viên trong nhóm đoàn kết, từng thành viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm góp phần để chủ tàu cá, thuyền trưởng an tâm hơn trong việc vươn khơi, bám biển để sản xuất, giải quyết được một số bất cập trong nghề khai thác hải sản trên biển như: giành giật lao động giữa các tàu thuyền, cùng hỗ trợ nhau khi có sự cố, phân công trách nhiệm lai dắt, giúp đỡ nhau khi bị mất lưới, tìm lưới...cung cấp thông tin cho nhau về ngư trường nguồn lợi, thị trường giá cả nên tránh được tư thương ép giá, góp phần tăng thêm thu nhập của người lao động.

Việc tổ chức khai thác hải sản trên biển theo mô hình tổ, đội đoàn kết đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ trong sản xuất, phòng tránh bão, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhau trong sản xuất trên biển cũng như khi vào đất liền, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Nhiều tổ, đội đã xây dựng được các Quỹ tương trợ giúp nhau trong sản xuất, khi gặp hoạn nạn, khó khăn như Đội Lưới quét C10 Duy Vinh, Tổ Đoàn kết C7 Long Thạnh, xã Tam Tiến với số tiền hàng chục triệu đồng.

Ngư dân cần biết!

Ông Đoàn Ngọc Hiên – Phó Giám đốc Đài thông tin Duyên hải Đà Nẵng cho biết: Hệ thống thông tin duyên hải Việt nam (TTDH VN) là Hệ thống Thông tin trên biển chính thức của Việt Nam được đăng ký Quốc tế, cung cấp đầy đủ dịch vụ thông tin trên biển theo tiêu chuẩn GMDSS (Hệ thống cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu). Các Đài trong Hệ thống được kết nối với nhau tạo thành hệ thống thống nhất, hoạt động 24/7 trong mọi điều kiện thời tiết phục vụ các phương tiện hành trình trên biển đặc biệt khi thời tiết nguy hiểm: áp thấp, bão, gió. Hệ thống TTDH VN có tầm phủ sóng rộng, bao phủ các vùng biển trong nước và quốc tế (Vùng biển A1, A2, A3,A4). Cung cấp thông tin cấp cứu, cứu nạn hàng hải – dịch vụ trực canh cấp cứu 24/7, thu nhận các thông báo liên quan đến cấp cứu hoặc sự cố của tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản bằng phương thức vô tuyến điện (MF/HF/VHF) trên tần số tần số 7903 kHz, Kênh 16 VHF và các phương thức khác như thoại, fax,… Hoạt động thu nhận, xử lý cảnh báo thiên tai, dự báo thời tiết biển, thông tin an toàn về tuyến, luồng hàng hải, thông tin về an ninh trên biển được Hệ thống TTDH thực hiện thường xuyên, liên tục, chính xác, kịp thời trên các phương thức Thoại trên tần số 7906 kHz, kênh 16, 18 VHF; Phương thức Navtex trên các tần số 490 kHz, 4209.5 kHz.

Trưng bày những trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác xa bờ tại diễn đàn

Mặc dù việc đẩy mạnh phát triển các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân mạnh dạn vững vàng vươn khơi, nhưng thời gian qua công tác triển khai mô hình này còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Một số tổ hợp tác/tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển chưa quan tâm nhiều đến công tác tổ chức dịch vụ hậu cần cho khai thác hải sản dẫn đến hiệu quả trong hợp tác chưa cao. Chưa có sự phối hợp giữa các tổ hợp tác/tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển trong các hoạt động khai thác hải sản, tìm kiếm cứu nạn, mới chỉ đơn thuần là giữa các thành viên trong một tổ hợp tác. Một bộ phận tổ hợp tác/tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập nhưng hoạt động chưa đúng theo quy ước được ký kết; việc thành lập các tổ nghề hay ngư trường vẫn còn hạn chế ...

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc TTKNQG kết luận diễn đàn

Kết luận Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đề xuất một số giải pháp: 

(i) Đối với Tổng cục Thủy sản: Đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân trong việc thành lập tổ, đội và chuyển đổi nghề nghiệp khai thác vùng ven bờ, hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67; xây dựng bản đồ dự báo ngư trường ở từng vùng biển; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển tàu cá; khắc phục tình trạng bồi lấp cảng cá; 

(ii) Đối với các viện, trường: Tập trung xây dựng các đề tài nghiên cứu về bảo quản sản phẩm khai thác xa bờ để chuyển giao cho ngư dân, nhằm giảm tổn thất sau khai thác; 

(iii) Đối với Chi cục thủy sản: Tăng cường quản lý và hướng dẫn bà con ngư dân thực hiện tốt các định hướng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT; 

(iv) Đối với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Xây dựng mô hình về ứng dụng các thiết bị khai thác trong khai thác, bảo quản và sơ chế sản phẩm khai thác. Tuyên truyền, tập huấn và phổ biến nhân rộng các mô hình tổ chức khai thác thuỷ sản theo tổ, đội, tập đoàn sản xuất gắn với dịch vụ hậu cần, đảm bảo an toàn trên biển với phương châm 1 người làm, 1000 người biết, học tập và làm theo; 

(v) Đơn vị các doanh nghiệp: Có cơ chế phù hợp để bà con ngư dân tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất nguồn vốn hỗ trợ ngư dân đóng tàu với giá thành hạ, phù hợp hơn; 

(vi) Đối với bà con ngư dân: mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong khai thác, bảo quản, thành lập tổ đoàn kết trên biển, nhằm khai thác bền vững hơn, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn liên mới;

(vii) Đối với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương: Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuỷ sản cho ngư dân, chuyển đổi nghề khai thác thuỷ sản vùng ven bờ, các nghề gây tổn hại đến nguồn lợi thủy sản sang làm các nghề khai thác thuỷ sản xa bờ theo hình thức tổ, đội liên kết; tuyên truyền hiệu quả các mô hình khai thác, bảo quản sản phẩm đạt hiệu quả cao để ngư dân học tập và áp dụng.

Quỳnh Hoa