Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của 250 đại biểu đến từ 7 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB): Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn. Trong đó hơn 70% đại biểu là nông dân, chủ cơ sở sản xuất giống cá, hợp tác xã nuôi cá nước ngọt thuộc khu vực.

Toàn cảnh tọa đàm

 

Đây là tọa đàm đầu tiên trong chuỗi các sự kiện khuyến nông được đổi mới về hình thức tổ chức, trong đó chú trọng sự tương tác giữa chuyên gia với bà con nông dân qua thao tác trực tiếp trên mẫu vật nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Thời gian của tọa đàm chủ yếu được dành cho việc trao đổi, tư vấn và thăm quan mô hình thực địa.

Buổi chiều ngày 23/3, các đại biểu đã được tham quan mô hình nuôi cá lồng trên hồ Núi Cốc tại thôn Tân Lập, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, các đại biểu và bà con đã được nghe chủ hộ giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm về nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao đối với các loại cá như: rô phi, trắm, trôi, diêu hồng, lăng… Các chuyên gia cũng trả lời những thắc mắc của bà con xoay quanh các vấn đề kỹ thuật quản lý chăm sóc cá nuôi lồng, thức ăn, môi trường, dịch bệnh môi trường nước.

Chủ mô hình nuôi cá lồng trên hồ Núi Cốc chia sẻ kinh nghiệm nuôi

 

Trong ngày 24/3, bà con tiếp tục được thăm quan khu sản xuất cá của Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc ở thôn Tân Lập, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ban tổ chức đã hướng dẫn đại biểu, nông dân thăm ao cải tạo, ao lưu giữ cá qua đông và bể luyện cá giống trước khi vận chuyển đi xa. Chuyên gia cũng thao tác trên ao kỹ thuật cải tạo ao (khử trùng đáy ao bằng vôi), giới thiệu kỹ thuật gây màu nước… Những thắc mắc của bà con đã được chuyên gia giải đáp tại thực địa.

 
 
 Chuyên gia thao tác kỹ thuật xử lý đáy ao bằng vôi   Thăm ao bể luyện cá trước khi vận chuyển đi xa 

Tại hội trường, ban tổ chức phát phiếu để bà con đặt câu hỏi. Với 47 câu hỏi về chọn giống cá tốt; xử lý cá giống trước khi thả; cách phòng trừ bệnh cá nước ngọt; hình thức nuôi trong ao, trong bể, trong lồng; quản lý môi trường nước nuôi; cách lưu mẫu bệnh phẩm để gửi đến các cơ quan chức năng chẩn đoán bệnh để chữa trị kịp thời cho cá; các loại thuốc và hóa chất thường dùng trong nuôi trồng thủy sản; các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản; vấn đề về an toàn thực phẩm, thị trường tiêu thụ… đã được các chuyên gia trả lời thỏa đáng.

Cả hội trường "nóng lên" với phần thao tác trực tiếp trên mẫu vật của các chuyên gia. Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn cá giống, các dụng cụ để chuyên gia thao tác hướng dẫn tắm cá giống. Chuyên gia thao tác mổ cá bệnh, giới thiệu các dấu hiệu nhận biết và phòng trị bệnh cá. Qua hình ảnh bệnh cá sinh động chiếu trên màn hình, đã giúp cho người nuôi dễ dàng nhận biết một số loại bệnh thường gặp trên cá nuôi nước ngọt.

Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết cá mè bị bệnh trùng mỏ neo


Chuyên gia thao tác trên cá mè bị bệnh trùng mỏ neo tại Hội trường

Ngoài ra, tọa đàm còn tổ chức trò chơi "Hiểu bệnh trên cá nuôi" dành cho nông dân tham dự đã tăng sự sôi động, giúp nông dân có thêm kiến thức về bệnh cá nước ngọt.

Theo nhận định của một số đại biểu tham dự tọa đàm, cách tổ chức tọa đàm lần này thực sự hiệu quả, giúp người nuôi có thể tiếp thu nhanh và đúng về kỹ thuật nuôi cũng như nhận biết bệnh của cá nuôi nước ngọt.

Ông Vi Văn Thắng ở thôn Tân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên nhận định: Nội dung tọa đàm rất phù hợp với nhu cầu của người nuôi. Ông mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện được nhiều hơn nữa những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật theo hình thức trực quan sinh động như thế này.

Bà Bùi Thị Hiền ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết, tọa đàm đã giúp bà giải tỏa được băn khoăn bấy lâu về việc làm thế nào để phòng trị một số bệnh thông thường mà trước đây bà còn chưa biết cách gọi tên của bệnh dịch đó.

Khu vực TDMNPB có tiềm năng và lợi thế nuôi cá  nước ngọt. Người dân đã lựa chọn nuôi những giống cá chất lượng như cá trôi, cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá lăng… và cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy chưa tạo thành hàng hóa tập trung nhưng mang lại hiệu quả xã hội rất lớn như cung cấp sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, giải quyết việc làm, giảm tệ nạn phá rừng. Tuy nhiên, nghề nuôi cá nước ngọt trong vùng vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng. Đó là do các địa phương chưa chủ động được nguồn giống, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng quy trình VietGAP, sản phẩm cá chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát huy sự liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất trong nuôi cá nước ngọt là việc quản lý dịch bệnh.

Tọa đàm lần này nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý, chuyên gia kỹ thuật và nông dân, giúp tháo gỡ những vướng mắc cho người nuôi về chọn con giống, hình thức nuôi, kỹ thuật chăm sóc quản lý cá nuôi, nắm được chủ trương, chính sách trong phát triển thủy sản; đặc biệt giúp người nuôi chủ động phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống hiệu quả, tránh gây thiệt hại về kinh tế. Đây còn là dịp để bà con nông dân trao đổi, chia sẻ cùng nhau những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất.

Theo các chuyên gia, khác với các vật nuôi trên cạn, khi cá bị bệnh việc phát hiện và chuẩn đoán bệnh gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm. Khi đã phát hiện được bệnh của cá thì việc điều trị bệnh cũng không đơn giản và dễ dàng, không phải điều trị từng con mà phải cả ao. Mặt khác, khi trị bệnh cá không phải lúc nào cũng có kết quả như mong muốn và ít nhiều đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cá, ảnh hưởng đến thức ăn tự nhiên và môi trường nước. Ngoài ra, một số thuốc có thể tích lũy trong cơ thể cá và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Chính vì vậy trong quá trình nuôi cá nước ngọt việc phòng trị bệnh vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lâu dài và quyết định.

Để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước ngọt vùng Trung du miền núi phía Bắc, góp phần thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, ông Kim Văn Tiêu - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các cơ quan, đơn vị cần thực hiện một số việc sau:

Về quản lý: Đề nghị Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch vùng nuôi cá, lựa chọn một số vùng nuôi trọng điểm để tập trung đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống/vùng nuôi tập trung để tạo ra các vùng sản xuất thủy sản hàng hóa. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào đến nuôi, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm cá.

+ Quy hoạch, thiết kế và xây dựng vùng nuôi cá nước ngọt theo hướng an toàn thực phẩm. Giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cấp, thoát nước tốt, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

+ Tăng cường quản lý thuốc kháng sinh, phòng trừ dịch bệnh để nâng cao hiệu quả cho người nuôi cá nước ngọt. Thực hiện tốt việc quản lý thực phẩm về giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Về khoa học công nghệ: Các viện, trường, trung tâm giống, các cơ sở sản xuất giống thủy sản tập trung cần quản lý tốt chất lượng con giống, thức ăn; tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh, quan trắc trước khi có bệnh xảy ra; Tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những giống cá mới chất lượng, năng suất cao, sức đề kháng tốt, nhanh lớn, kháng bệnh.

Về công tác khuyến ngư

Tập trung xây dựng các mô hình nuôi cá an toàn dịch bệnh theo VietGAP,  không sử dụng kháng sinh. Tăng cường hướng dẫn quy trình kỹ thuật, mùa vụ và mật độ thả nuôi phù hợp; phát hành ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến trao đổi kinh nghiệm rộng rãi cho nông, ngư dân, các tổ chức tham gia cá khu vực TDMNPB. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sao cho 1 người làm sẽ có 100 người biết và áp dụng; Tăng cường năng lực thông qua đào tạo tập huấn theo mục tiêu 4 dễ (dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo).

Đối với thông tin đại chúng

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuỷ sản cho người dân, không sử dụng thuốc, kháng sinh cấm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu sản phẩm. Tuyên truyền các mô hình nuôi cá theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm đạt hiệu quả cao để ngư dân học tập và áp dụng; đồng thời tuyên truyền những mô hình hạn chế, nêu nguyên nhân để người dân rút kinh nghiệm. Tăng cường dự báo biến động về giá cả thị trường giúp người nuôi định hướng phát triển sản xuất./.

NTM - ĐT