Tọa đàm nhằm giúp bà con nông dân trồng hồ tiêu tại Quảng Trị giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt trong việc khôi phục diện tích cây hồ tiêu bị ảnh hưởng do bão, lụt, đồng thời tạo điều kiện cho nông dân được trao đổi thảo luận với các nhà khoa học, nhà quản lý về các vấn đề trong việc phát triển cây hồ tiêu bền vững.

Vườn tiêu Cùa bị ảnh hưởng do đợt bão, lũ vừa qua

 

Ông Trần Thanh Hiền – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: Diện tích trồng hồ tiêu toàn tỉnh Quảng Trị hiện nay khoảng 2.500 ha. Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã làm 550 ha tiêu bị thiệt hại, trong đó có khoảng 230 ha bị chết. Diện tích tiêu bị ngập úng có biểu hiện vàng lá, rụng lá, rụng đốt và gây chết với tỷ lệ 15 – 20%, có nơi 30 – 40%, một số vườn bị chết 100%. Nguy cơ các vườn tiêu tiếp tục bị chết nếu không có các biện pháp kỹ thuật can thiệp kịp thời.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã giải đáp các thắc mắc của người dân trồng tiêu tập trung vào các vấn đề: Nguyên nhân và biện pháp xử lý đối với các vườn tiêu bị chết hàng loạt sau mưa; biện pháp xử lý bệnh trên vườn tiêu trong thời kỳ mùa mưa; phòng trị sâu bệnh hại tiêu (rệp sáp, tuyến trùng, nấm bệnh…); nguyên nhân và biện pháp khắc phục tiêu bị rụng hoa; Chính sách hỗ trợ diện tích hồ tiêu bị chết do bão, lũ... Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến sản xuất tiêu bền vững như: nhân giống vườn tiêu sạch bệnh; thiết kế vườn tiêu và xử lý đất trước khi trồng lại tiêu, sử dụng phân bón và chế phẩm sinh học trong trồng tiêu, xây dựng thương hiệu và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm… cũng được các đại biểu và bà con nông dân quan tâm và trao đổi.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm

 

Nông dân tham dự tọa đàm đặt câu hỏi tới các chuyên gia

 

TS. Trần Thị Thu Hà – Giảng viên Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Huế khuyến cáo: Để khôi phục diện tích hồ tiêu bị ảnh hưởng do bão lũ, trước mắt cần xử lý thuốc hóa học ngăn ngừa bệnh lây lan; Vệ sinh đồng ruộng và xử lý các vườn tiêu bị bệnh bằng cách xử lý vôi bột, chôn và đốt các bộ phận bị bệnh; Tuyệt đối không sử dụng lá rụng trong vườn tiêu để ủ làm phân; Bón phân cân đối đa trung vi lượng, tốt nhất sử dụng phân bón qua lá để bổ sung các yếu tố vi lượng, tăng cường phân lân và kali để tăng sức chống chịu cho cây.

Theo thạc sỹ Nguyễn Thị Chúc Quỳnh – Viện Bảo vệ thực vật, để bảo vệ vườn tiêu trong thời điểm hiện tại, người dân bắt buộc phải sử dụng các loại thuốc hóa học chứa hoạt chất Mancozeb, hoặc Mancozeb + Metalaxyl, hoặc Dimethomorph,… tưới gốc để tiêu diệt nấm bệnh; đồng thời phun phân bón lá có đủ các yếu tố vi lượng để bổ sung dinh dưỡng cho cây, nhằm tránh cây bị suy kiệt. Khi cây phục hồi sinh trưởng, ra rễ mới thì bón phân với lượng nhỏ, hòa loãng, ưu tiên dùng phân bón qua lá bổ sung vi lượng và sử dụng các chế phẩm sinh học để phục hồi bộ rễ và sức khỏe của cây. Lưu ý hạn chế bón phân đạm, tránh khai thác năng suất quá mức đối với những cây đang ra hoa vào thời điểm này trên diện tích tiêu bị ảnh hưởng do ngập.

Chiều ngày 21/12/2020, đoàn công tác gồm chuyên gia Viện Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NNPTNT Quảng Trị đã đến khảo sát các vườn hồ tiêu tại HTX Hồ tiêu Cùa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ để kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại và khả năng phục hồi của các vườn tiêu sau lũ nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục vườn tiêu sau bão lụt để khuyến cáo có người nông dân.

Về phương hướng phát triển hồ tiêu tại Quảng Trị trong thời gian tới, TS. Trần Thị Thu Hà cho rằng: “Định hướng lâu dài, sản xuất hồ tiêu tại Quảng Trị nên đi theo hướng hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hồ tiêu Quảng Trị có chất lượng tốt (độ cay, trọng lượng hạt), bà con nông dân nên thành lập các HTX sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị và phát triển bền vững”.

 

Chuyên gia kiểm tra tình trạng bộ rễ cây tiêu sau ảnh hưởng ngập úng; lấy mẫu đất kiểm tra vi sinh vật và nguồn bệnh trong đất
 

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia