Tọa đàm nhằm giúp bà con nông dân trồng bưởi thanh trà tại Thừa Thiên Huế giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt trong việc khôi phục diện tích cây bưởi thành trà bị ảnh hưởng do mưa lũ cuối năm 2020.

 

Tham dự có tọa đàm có gần 150 đại biểu đến từ Viện Bảo vệ thực vật, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên Huế, Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã có trồng bưởi thanh trà và bà con nông dân trồng bưởi thanh trà bị ảnh hưởng do mưa lũ vừa qua tại tại tỉnh Thừa Thiên Huế; cùng một số phóng viên báo đài trung ương và địa phương.

Trong những năm gần đây, diện tích cây bưởi thanh trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tăng nhanh. Diện tích đạt gần 1.100 ha. Tuy nhiên, các trận mưa lũ liên tiếp vào cuối năm 2020 làm gần 600 ha bị ảnh hưởng; trong đó, nhiều diện tích bị mất trắng, tập trung ở Hương Vân (Hương Trà), Phong Thu (Phong Điền) và Thủy Biều (TP. Huế).

Diện tích bưởi thanh trà bị chết do lũ chủ yếu là các vườn bưởi trồng trên chân đất thấp trũng.

 

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã giải đáp các thắc mắc của người dân trồng bưởi thanh trà tập trung vào các vấn đề: các chủ trương chính sách và giải pháp khoa học công nghệ trong khôi phục diện tích bưởi thanh trà bị ảnh hưởng do mưa lũ; nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng bưởi thanh trà bị chết; Phương pháp phòng trừ sâu bệnh cho bưởi thanh trà sau lũ lụt; các giải pháp về giống, biện pháp để quản lý và nâng cao chất lượng giống thanh trà cho bà con trồng có hiệu quả; thiết kế vườn bưởi thanh trà và xử lý đất trước khi trồng lại bưởi thanh trà, sử dụng phân bón và chế phẩm sinh học trong trồng bưởi thanh trà…

Chuyên gia giải đáp thắc mắc, tư vấn các giải pháp kỹ thuật cho người nông dân.

 

Để khắc phục hiệu quả những vườn thanh trà đã hư hại, theo các chuyên gia, trước tiên phải khôi phục lại bộ rễ cho cây, bằng cách phá váng để cung cấp ôxy cho rễ, sau đó tiến hành chăm sóc. Bên cạnh đó, cần cắt tỉa bớt cành đã bị khô héo, khi bộ tán khôi phục và cây mọc mầm trở lại thì bón thêm phân bón lá để cây nhanh phục hồi và phát triển tốt.  

Đối với những diện tích không thể phục hồi thì mua cây giống trồng thay thế. Bà con nông dân cũng cần chú ý đối với loại cây bưởi thanh trà thì không được trồng nơi thấp trũng và phải có biện pháp cải tạo vườn ngay từ ban đầu. Theo đó, đối với những nơi thấp trũng thì phải tạo rãnh thoát nước rộng và sâu, nhằm tiêu thoát nước mùa lũ và cấp nước mùa hạn. Lập vành đê bao quanh vườn, để khi mưa ngập xảy ra thì có thể sử dụng máy bơm để tiêu thoát nước đi. Đồng thời, người dân có thể trồng bưởi thanh trà theo phương pháp ụ nổi đối với những diện tích thấp trũng, dễ ngập úng.

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, người dân không nên mua các giống trôi nổi trên thị trường để đưa vào trồng dặm, trồng bổ sung để tránh nhiễm bệnh lây lan cả vườn. Đồng thời, ngành nông nghiệp địa phương cần kiểm soát quy trình các hộ sản xuất cây giống và việc cung ứng cho người dân.

Đối với vườn cây thanh trà bị chết cành, rụng lá trong trường hợp cây còn khả năng phục hồi cần áp dụng ngay biện pháp xử lý vệ sinh toàn bộ vườn cây, xử lý nguồn bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật và phục hồi bộ rễ. Đối với vườn cây bị đổ nghiêng cần dựng thẳng gốc cây, chống đỡ và cắt toàn bộ cành, lá già chết, phần tán non. Xử lý vôi bột hoặc thuốc sát khuẩn bằng Booc-đô hoặc các thuốc bảo vệ thực vật chứa gốc đồng tại vết cắt…  

Nhiều giải pháp được đưa ra để giúp bà con nông dân khôi phục vườn bưởi thanh trà

Thu Hằng