Thông tin tại diễn đàn cho biết, những năm gần đây, ngành mía đường nước ta đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đường trong nước. Đến nay, 95% diện tích mía nguyên liệu đã được các thành viên Hiệp hội sản xuất mía đường ký hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với người trồng mía, là ngành đi đầu trong việc tổ chức sản xuất, hình thành chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến và tiêu dùng.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng thâm canh mía nguyên liệu tại xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

Theo thống kê, diện tích mía niên vụ 2017-2018 cả nước đạt 274.300 ha (tăng 6.000 ha so với năm 2016), năng suất bình quân đạt 65,1 tấn/ha (tăng 0,3 tấn/ha so với năm 2016), trong đó diện tích mía đường nguyên liệu đạt 254.943 ha, năng suất đạt 63,9 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 18 triệu tấn (tăng 500.000 tấn so với năm 2016). Ở miền Bắc có 2 vùng mía nguyên liệu chính là vùng Trung du miền núi phía Bắc (35.500 ha), sản lượng đạt 2 triệu tấn và vùng Bắc Trung Bộ (xấp xỉ 54.000 ha), sản lượng đạt 3 triệu tấn.

TS. Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Miền núi phía Bắc được xác định là vùng có lợi thế trung bình trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía nhưng có vai trò rất quan trọng, là thế mạnh của vùng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông hộ. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích trồng mía giảm, năng suất mía còn thấp, giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh giảm, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người trồng mía, khiến nhiều nông dân quyết định chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó được đưa ra là:

- Vùng nguyên liệu tập trung đã hình thành nhưng chưa phân bố hợp lý, còn nhiều bất cập, quy mô sản xuất manh mún nhỏ lẻ (chủ yếu là hộ gia đình). 

- Phần lớn đất trồng mía là đất đồi, không liền vùng, liền thửa, độ dốc lớn và khó áp dụng cơ giới hóa, nhất là khâu thu hoạch, xa nguồn nước tưới, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông không thuận lợi nên giá thành sản xuất cao.

- Công tác nghiên cứu và ứng dụng giống mía phù hợp với từng địa phương còn hạn chế, chưa phong phú để bố trí rải vụ, thâm canh.

- Trình độ kỹ thuật của người dân trồng mía còn thấp, chủ yếu canh tác theo tập quán, đầu tư thâm canh, liên kết sản xuất còn hạn chế.

- Hệ thống nhà máy sản xuất đường quy mô nhỏ, lạc hậu dẫn đến năng suất, chất lượng mía thấp, giá thành sản xuất cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

- Cơ chế chính sách tuy đã có hỗ trợ cho ngành mía đường nhưng vẫn rời rạc, chưa hình thành được hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ để phát triển ngành mía đường Việt Nam bền vững.

Trao đổi tại Diễn đàn, vấn đề được đa số đại biểu quan tâm là việc xây dựng vùng nguyên liệu mía với những giống mới, năng suất và chất lượng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất.

Ông Nguyễn Công Hàm, PGĐ. Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang cho biết: Hiện nay, vùng nguyên liệu của tỉnh có khoảng 16 loại giống mía, có nguồn gốc từ Đài Loan, Trung Quốc, Cu Ba và Thái Lan, trong đó chủ yếu là các giống ROC10, ROC22, Việt đường 00236, Quế đường 42 và My 5514. Tuy nhiên, việc bố trí cơ cấu giống chưa hợp lý, tỷ lệ mía chín sớm còn nhiều, chiếm 87%. Về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đã thực hiện trong khâu giống, cải tiến phương thức làm đất, bón phân, thời vụ thu hoạch, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm..., triển khai các mô hình thâm canh năng suất đạt trên 100 tấn/ha nhưng diện tích áp dụng còn ít. Tại Trung tâm giống của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương đang trồng thử nghiệm tập đoàn mía giống trên 30 giống để làm cơ sở lựa chọn bộ giống tốt, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu mía tại địa phương.

Về giống mía, TS. Lê Quang Tuyền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường đã giới thiệu một số giống có triển vọng, năng suất, hàm lượng đường cao, chống chịu được sâu bệnh phù hợp với vùng miền núi phía Bắc như giống KK3, LK92-11, K95-84, K95-156, Uthong 12, K88-92,... để bà con có thể tham khảo, áp dụng. Đồng thời hướng dẫn công nghệ nhân giống mía nhằm nâng cao chất lượng hom giống.

Toàn cảnh Diễn đàn

Qua phần trao đổi của các đại biểu được biết thêm bà con chưa tuân thủ quy trình sản xuất mía như: sử dụng giống nhiễm bệnh, hom giống tận dụng từ ngọn mía vụ 3, 4; đầu tư phân bón chưa đủ định mức; làm đất không bảo đảm độ tơi xốp; trồng mía trên đồi có độ dốc quá lớn; phòng trừ sâu bệnh không kịp thời, công tác chăm sóc mía, nhất là chăm sóc mía lưu gốc còn muộn và không đúng kỹ thuật... Đây là nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mía, thu nhập không cao.

Có ý kiến đại biểu cho rằng, cần phải loại bỏ ngay giống bị sâu bệnh, thay vào đó là các giống sạch bệnh, năng suất cao, đồng thời hướng dẫn nông dân liên kết trong công tác tự nhân giống để có giống mía tốt, giảm chi phí đầu tư.

Ông Lê Văn Khánh, hộ trồng mía ở xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Người trồng mía hiện nay thu nhập còn thấp do thiếu giống mía mới chất lượng cao, chưa áp dụng được cơ giới hóa nên giá nhân công lao động thuê mướn làm đất, trồng và thu hoạch mía ngày càng tăng, dẫn đến tăng giá thành sản xuất.

Về sâu bệnh hại mía cũng có xu hướng gia tăng và diễn biến khó lường bởi các đối tượng sâu bệnh hại như bệnh than, rệp bông trắng, sâu đục thân, bọ trĩ, bọ hung... nhưng người trồng mía lại không có biện pháp hữu hiệu để phòng chống mà lại sử dụng biện pháp hóa học quá nhiều nên đã làm mất cân bằng sinh thái, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến năng suất mía.

Với nhiều thông tin về tình hình sản xuất mía được các đại biểu trao đổi, chia sẻ và tư vấn tại diễn đàn cũng như tại mô hình tham quan, TS. Trần Văn Khởi đã tổng kết và đưa ra một số giải pháp để phát triển cây mía bền vững ở vùng miền núi phía Bắc, cụ thể như sau:

- Áp dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là giống mới, chú ý sản xuất rải vụ trong vùng nguyên liệu. Tăng cường đưa cơ giới hóa, đặt biệt là khâu tưới nước trong vùng có nguồn nước.

- Phòng trừ sâu bệnh theo dự báo.

- Tăng cường năng lực sản xuất cho người nông dân thông qua tập huấn, thông tin tuyên truyền...

 TS. Trần Văn Khởi tổng kết các giải pháp được đưa ra tại Diễn đàn

Để thực hiện được những giải pháp đó, đề nghị:

- Trung tâm khuyến nông các tỉnh liên tục phổ biến tiến bộ kỹ thuật, các giống mới, tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo, tư vấn cho nông dân trong vùng trồng mía ở tất cả các cấp từ tỉnh đến xã.

- Viện Nghiên cứu Mía đường tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống có triển vọng phù hợp với miền Bắc để sớm chuyển giao và nhân rộng, trong phạm vi dự án khuyến nông trung ương cần phối hợp với các công ty mía đường để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống mới.

- Người trồng mía cần mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng đồng bộ và tuân thủ quy trình tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chấp hành tốt liên kết hợp đồng với nhà máy sao cho hài hòa lợi ích hai bên để ổn định sản xuất.

Hy vọng rằng trong tương lai ngành mía đường cả nước nói chung và vùng Trung du miền núi phía Bắc nói riêng sẽ khai thác tốt lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu, góp phần thực hiện được mục tiêu Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra.

Thu Hằng - Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem video "Tuyên Quang tập trung nâng cao năng suất mía nguyên liệu" tại đây