Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trong quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, có diện tích đất tự nhiên hơn 1.235,87 km2 với dân số 1.181.313 người; có 3 vùng sinh thái: đồng bằng, trung du và miền núi. Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc vẫn luôn được coi là ngành quan trọng và không thể thiếu để vừa cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân trong tỉnh, vừa đảm bảo nhu cầu cho thị trường các tỉnh lân cận như Hà Nội và xuất khẩu ra nước ngoài. Ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Bộ Nông nghiệp &PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương; sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố và sự nỗ lực cố gắng của bà con nông dân các dân tộc trong tỉnh.

UBND tỉnh đã và đang có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp. Trong đó có chính sách khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ được cho người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc 2.141 máy nông nghiệp, trong đó: 95 máy làm đất công suất trên 35 mã lực; 964 máy làm đất công suất dưới 35 mã lực; 929 máy lên luống; 94 máy gặt đập liên hợp; 14 máy cấy 4 hàng, 35 máy cấy 6 hàng, 10 máy gieo hạt. Phần hỗ trợ này giúp người dân có ruộng giảm được chi phí sản xuất và giúp quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quy hoạch vùng sản xuất giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ dịch vụ nông nghiệp có thể làm dịch vụ được thuận lợi khâu gieo cấy tập trung và thu hoạch lúa bằng máy.

Với mục đích đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa từ gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch góp phần nâng cao năng xuất, hiệu quả, giảm lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung; tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn, trong 2 ngày 05-06/11/2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa” tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Diễn đàn thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành của tỉnh Vĩnh Phúc và bà con nông dân sản xuất lúa của các địa phương; một số doanh nghiệp thu mua, sản xuất, kinh doanh dịch vụ vụ làm mạ, cấy lúa, gặt lúa,... Nhiều cơ quan báo đài địa phương đến đưa tin về Diễn đàn.

 
Toàn cảnh Diễn đàn

 

Đặc biệt, trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã đến tham quan mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa đồng bột tại xã Ngũ Kiên huyện Vĩnh Tường. Qua tham quan thực tế cho thấy: Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa giúp giảm sức lao động, sự vất vả của của nông dân, đáp ứng kịp thời cho công tác chuyển vụ, gối vụ; đặc biệt là tăng hiệu quả kinh tế so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Dương – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa là việc trong tương lai gần, vì hiện nay khâu làm đất trong sản xuất lúa đã đạt 100%, sử dụng máy gặt đạt 60 – 70%, đặc biệt công đoạn khó khăn nhất trong sản xuất lúa là khâu gieo cấy cũng đã đạt được hơn 1000 ha/vụ, trong địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ làm dịch vụ đồng bộ từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy,…

Trực tiếp tại Diễn đàn, Ban Chủ tọa và Ban cố vấn đã giải đáp nhiều câu hỏi của đại biểu và bà con nông dân liên quan đến giá thành, liên kết sản xuất và thu mua lúa; trong đó, tập trung chủ yếu về cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong việc dồn điền đổi thửa, hỗ trợ máy nông nghiệp, tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa cấy bằng máy cũng như giá thành các khâu dịch vụ trong sản xuất lúa.

Phát biểu tổng kết Diễn đàn, ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, để có thể thực hiện tốt công tác cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất, dồn điền đổi thửa tạo ô thửa rộng, địa hình bằng phẳng nâng cao công suất máy, tạo vùng liên kết sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế.

Phùng Thị Thu Hà

Trung tâm Khuyến nông VĨnh Phúc