Tham dự Diễn đàn có TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm KNQG, TS. Trần Văn Khởi - PGĐ Trung tâm KNQG, đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả, đồng chí Vũ Mạnh Toàn Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Nguyễn Việt Phương: Bí thư huyện ủy - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Lập Thạch, đồng chí Hà Văn Quyết - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lập Thạch; cùng đại diện lãnh đạo Trung tâm khuyến nông và nông dân tiêu biểu của các tỉnh/TP: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang và Phú Thọ và đông đảo bà con nông dân trực tiếp trồng thanh long của tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Trước khi dự Diễn đàn, các đại biểu đã đi tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại thôn Đồng Núi, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Thanh long được xác định là 1 trong 11 loại cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh ở nước ta, là một trong những mặt hàng trái cây được xuất khẩu số một của Việt Nam, hiện đã xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu (chính ngạch) trái cây tươi đạt 307 triệu USD thì thanh long chiếm tới 61,4%. Hiện nay, thanh long được coi là một cây trồng xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương tại các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, và Hòa Bình.

 

 

Ban cố vấn Diễn đàn

 

Báo cáo tại Diễn đàn cho thấy, tại tỉnh Vĩnh Phúc cây thanh long ruột đỏ đã và đang trở thành loại cây trồng hàng hóa mũi nhọn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng trung du, miền núi của tỉnh, đặc biệt là tại huyện Lập Thạch. Thực hiện Quyết định số 3174/QĐ-CT ngày 29/10/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt dự án thí điểm trồng thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch giai đoạn 2011 - 2013 được thực hiện trên 03 xã: Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ huyện Lập Thạch với quy mô là 100 ha. Sau 3 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch đạt khoảng 120 ha, diện tích đã cho quả vào khoảng 35ha. Hiện nay mỗi trụ bình quân cho từ 10 - 15kg quả/năm, với giá bán bình quân tại vườn là từ 35.000 - 40.000 đồng/kg (thu nhập của một trụ/năm trừ chi phí vào khoảng 250.000 - 300.000 đồng, tương đương 300 triệu đồng/năm/ha). Ngoài ra, thu nhập của bà con xã Vân Trục từ bán hom giống cũng mang lại giá trị kinh tế lớn, có những hộ đã nhạy bén đưa giống ra các tỉnh ngoài như: Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ninh... đã cho thu nhập tăng thêm hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2013 tổng thu từ cây thanh long ruột đỏ ước đạt 12 tỷ đồng, riêng xã Vân Trục khoảng 10 tỷ đồng.

 

Tại Diễn đàn, Ban cố vấn đã trao đổi, giải đáp trên 25 nhóm câu hỏi của bà con nông dân xoay quanh các vấn đề về kỹ thuật, chế độ chính sách, vấn đề quy hoạch phát triển, nguồn cung ứng giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thu hái chế biến bảo quản và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Kết luận Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm KNQG đánh giá cao kết quả của Diễn đàn. Diễn đàn được tổ chức đảm bảo yêu cầu đề ra, những ý kiến trao đổi, giải đáp cụ thể và thiết thực đối với sản xuất thanh long ở các tỉnh phía Bắc. TS. Phan Huy Thông đề nghị những đại biểu tham dự diễn đàn, những cơ quan chuyên môn của địa phương và hộ trồng thanh long ở các tỉnh phía Bắc phải duy trì thành quả hiện có và nghiên cứu đưa ra các giải pháp phát triển cây thanh long một cách bền vững thông qua việc đảm bảo sản phẩm luôn đạt chất lượng và an toàn, thực hiện các biện pháp kỹ thuật sản xuất an toàn và giám sát chất lượng sản phẩm thường xuyên.

 

Các đại biểu tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại thôn Đồng Núi, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch

 

Vũ Bích Dương - TTKNQG